Muối ba khía đất Mũi, con đường thành di sản

Tỉnh Cà Mau có nhiều đặc sản nổi tiếng, trong đó thương hiệu muối ba khía (ba khía là loài thuộc họ nhà cua- PV) đã vang danh khắp mọi nơi.

Bên cạnh giá trị về kinh tế, nghề muối ba khía còn làm nên nghệ thuật ẩm thực độc đáo ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc.

Nghề di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Từ xa xưa, nghề muối ba khía đã gắn với vùng đất giàu sản vật Cà Mau. Theo người dân địa phương, trước đây cứ đến mùa ba khía “hội” (khoảng tháng 7-9 Âm lịch) bà con đi bắt phải chở bằng xuồng. Vì nhiều quá không tiêu thụ hết, nên họ mới nghĩ ra cách muối ba khía để bảo quản được lâu hơn. Hiện, nghề muối ba khía đã trở thành nghề truyền thống và món ba khía muối trở thành đặc sản Cà Mau vang danh khắp nơi.

Trước nhu cầu của thị trường, các hộ dân nơi đây đã mở rộng quy mô sản xuất nghề muối ba khía nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và đưa món ăn dân dã này đến với nhiều người hơn.

Nghề muối ba khía hiện đang phát triển mạnh tại các huyện ven biển của tỉnh Cà Mau như: Đầm Dơi, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển. Trong đó, con ba khía Rạch Gốc từ lâu đã nổi danh khắp nơi về độ ngon khác biệt. Được “trời phú” cho nguồn nước, phù sa, đặc biệt là thức ăn từ cây mắm, cây đước giúp con ba khía ở xứ sở này luôn trội hơn hẳn.

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nghề muối ba khía của người dân Đất Mũi không ngừng phát triển cả chất và lượng, tạo nên thương hiệu đặc sản ẩm thực nổi tiếng của vùng. Từ món ăn dân dã, bình dị của bà con lao động xứ biển nay được mọi người xa gần biết đến và ưa chuộng.

Văn hoá - Muối ba khía đất Mũi, con đường thành di sản

Nghề muối ba khía được duy trì qua nhiều thế hệ cư dân vùng rừng ngập Cà Mau và được biến tấu với nhiều cách làm khác nhau.

Đặc biệt, vào giữa năm 2020, nghề muối ba khía của người dân Cà Mau đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là động lực để những người dân gắn bó với nghề tiếp tục gìn giữ, phát triển nghề muối ba khía vươn xa ra thị trường và góp phần phát triển kinh tế, hướng đến gìn giữ, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và sản vật của rừng đước.

Bà Nguyễn Thị Lẹ, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển - người có kinh nghiệm muối ba khía hàng chục năm bày tỏ: “Thật sự, tôi rất vui và tự hào khi con ba khía Cà Mau giờ đã khoác áo “đặc sản” rồi. Ăn ba khía muối không chỉ gợi lại thời khốn khó, mà còn như đong đầy tình quê hương! Ăn để thương nhớ quê nhà”.

Không chỉ là sinh kế

Theo hồ sơ tư liệu của Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL), nghề muối ba khía ở tỉnh Cà Mau đang được cộng đồng duy trì, thực hành, trao truyền cho con cháu, với 400 hộ dân, tập trung ở các huyện ven biển, nhiều nhất là 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển.

Không chỉ là kế sinh nhai, nghề muối ba khía gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng cư dân Cà Mau từ lâu đời, là một hành trang trên đường mở cõi về phương Nam của lưu dân Việt.

Nghề muối ba khía phản ánh một phần công cuộc chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống của nhiều thế hệ nối tiếp nhau, gắn bó với con người trong đời sống hàng ngày. Đây vừa là một sinh kế quan trọng, vừa là nghệ thuật ẩm thực, và từng được thể hiện trong dân ca, đờn ca tài tử, tác phẩm văn học tạo nên sắc thái văn hóa riêng của vùng đất này.

Tuy nhiên, hiện nay nghề muối ba khía gặp không ít những thử thách và biến động, nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm do biến đổi khí hậu, cũng như diện tích rừng bị thu hẹp là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển của nghề muối ba khía truyền thống.

Văn hoá - Muối ba khía đất Mũi, con đường thành di sản (Hình 2).

Nghề muối ba khía tập trung chủ yếu tại các huyện: Năm Căn, Đầm Dơi hay Phú Tân… nhưng đặc biệt nhất vẫn là con ba khía ở vùng Rạch Gốc (Ngọc Hiển, Cà Mau).

Thời gian qua, Sở VH,TT&DL tỉnh Cà Mau cùng UBND huyện Ngọc Hiển đang từng bước xây dựng các làng nghề muối ba khía truyền thống, kết hợp với việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm phục vụ khách tham quan du lịch.

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Cà Mau cho biết, theo quy hoạch, trong những năm sắp tới, Cà Mau sẽ có 1.000 hộ làm nghề Ba khía muối, thu hút hàng vạn lao động tại chỗ, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 10 tấn sản phẩm.

Đồng thời, để nghề này phát triển bền vững, chính quyền địa phương đã chỉ đạo tiến hành thành lập các tổ hợp tác sản xuất, tiến tới thành lập hợp tác xã sản xuất ba khía.

Về lâu dài, các cơ sở sản xuất ba khía muối cần đăng ký quyền bảo hộ sản phẩm mang nhãn hiệu ba khía muối Rạch Gốc, góp phần xây dựng thương hiệu với sản phẩm đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Để thực khách có thể lựa chọn những cơ sở uy tín, có địa chỉ cụ thể, tránh mua nhầm ba khía muối không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Hiện tại, bên cạnh phát triển các mô hình sản xuất từ các loại thủy sản thế mạnh như tôm, cua,.., các địa phương tỉnh Cà Mau khuyến khích bà con nông dân trên địa bàn tận dụng hiệu quả kinh tế từ con ba khía để tăng thêm thu nhập gia đình.

Ông Đoàn Công Danh, Chủ tịch Hội thủy sản huyện Năm Căn nói: “Trước kia bà con muối ba khía rất đơn giản, nhưng bây giờ việc muối ba khía công phu hơn, ngon hơn, và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hơn. Thời gian tới, chúng tôi khuyến khích bà con nên thực hiện theo mô hình này, nhằm tăng thêm hương vị đặc trưng của con ba khía, đảm bảo chất lượng cũng như thương hiệu ba khía muối của địa phương. Đồng thời, qua đó góp phần tăng nhu nhập kinh tế cho hộ gia đình”.