Sử dụng rượu bia đúng cách để đảm bảo sức khỏe. Ảnh: TTXVN
Dưới đây là hướng dẫn của chuyên gia về sử dụng bia, rượu đúng cách, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Phân tích về cơ chế tác động của rượu bia với cơ thể, Ths. BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Bia, rượu vang, rượu mạnh … là những đồ uống có chứa cồn ethanol ở những nồng độ khác nhau.
Cụ thể, bia có khoảng 5% cồn, rượu vang khoảng 9- 16% cồn và rượu mạnh có thể lên 40- 45% cồn. Tác dụng của bia rượu thường là có hại cho sức khoẻ hơn là có lợi. Cồn trong rượu bia cũng có tác dụng sinh năng lượng nhưng đó là năng lượng rỗng không có giá trị dinh dưỡng.
Theo đó, rượu cũng được dùng làm dung môi và dẫn chất cho một số bài thuốc đông y (ngâm rượu thuốc), hoặc dùng một liều nhỏ trước bữa ăn có tác dụng kích thích khai vị. Uống bia từ 1- 2 ly/ ngày được cho là giúp thư giãn, giúp bạn có trạng thái hưng phấn. Bia cũng có một số vitamin và khoáng chất như: Vitamin B2, B6, selen, magiê … nhưng với hàm lượng thấp so với các thức ăn khác.
Bên cạnh đó, rượu, bia lại có nhiều tác hại với sức khoẻ như: Uống nhiều rượu, bia/lần và uống thường xuyên sẽ gây ngộ độc cấp và ngộ độc mạn tính như: Xơ gan, suy nhược thần kinh, run tay, trí nhớ giảm, tăng viêm loét dạ dày - ruột, tăng huyết áp, xơ mỡ động mạch, dễ gây đột quỵ do tổn thương mạch vành và các mạch máu não. Ở phụ nữ có thai dễ gây sảy thai, thai kém phát triển, thai chết lưu, người nghiện rượu còn hay bị các bệnh nhiễm khuẩn do sức đề kháng yếu.
Về mặt xã hội, rượu bia gây nhiều tai nạn giao thông, mất trật tự xã hội, ảnh hưởng không tốt tới hạnh phúc gia đình, giảm năng suất lao động. Việc uống rượu bia nhiều còn ảnh hưởng tới sức khỏe, bệnh.
Người dân cần biết sử dụng đồ uống có cồn để đảm bảo an toàn. Cụ thể, với bia, rượu vang, rượu mạnh là đồ uống có cồn ở các nồng độ khác nhau: 1 đơn vị cồn là 10g cồn, tương đương với: 3/4 lon bia 330 ml, 135 ml rượu vang, 30ml rượu whisky.
Đối với nam nên uống dưới 2 đơn vị cồn/ngày; nữ dưới 1 đơn vị cồn/ngày.
Khi uống đồ uống có cồn người dân chú ý:
- Cần uống từ từ, chậm rãi để nếu là rượu mạnh có thể làm loãng nồng độ nhằm giảm kích ứng niêm mạc miêng và dạ dày đồng thời giúp gan có thời gian để kịp oxy hóa rượu giảm nguy cơ say và ngộ độc.
- Không nên uống rượu lúc đói, làm tăng kích ứng dạ dày dẫn đến viêm loét dạ dày và chảy máu dạ dày. Trước khi uống rượu nên uống nước lọc, nước quả, nước súp, nước canh và đặc biệt là ăn rau xanh có tác dụng giảm nồng độ cồn của rượu. Nên ăn thức ăn giàu protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.
- Không nên uống rượu với đồ uống có ga (nước giải khát có ga), rượu lẫn bia nó sẽ làm quá trình rượu hấp thu cồn vào máu nhanh hơn.
Bác sĩ cũng chú ý, với người đang sử dụng thuốc Aspirin thì nên tránh uống rượu, không nên sử dụng rượu với Aspirin. Khi uống rượu có thể gây đau đầu, nên một số người đã sử dụng Aspirin trước khi uống rượu để tăng “tửu lượng”; đây là điều hết sức nguy hiểm vì Aspirin có thể gây chảy máu dạ dày khi đói và tăng hấp thu rượu vào trong máu dẫn đến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh. Khoảng cách thời gian uống rượu, bia và dùng Aspirin là 1 ngày. Nếu phải dùng Aspirin và uống rượu trong 1 ngày thì nên cách xa bằng cách uống Aspirin vào buổi sáng và uống rượu vào tối hoặc ngược lại.
Đặc biệt, không nên uống rượu với caffeine, vì rượu là một chất ức chế, caffeine là chất kích thích làm tăng huyết áp, nhịp tim. Nếu sử dụng caffeine để “tỉnh táo” sau khi uống rượu là một sai lầm cần tránh để không ảnh hưởng tới sức khỏe.