Người có tuyến tụy kém thường đau ở 3 vị trí, nếu bỏ qua ung thư sẽ đến lúc nào không hay

Bệnh về tuyến tụy, nhất là ung thư tụy vô cùng nguy hiểm vì rất khó phát hiện sớm nhưng lại khó điều trị, tỷ lệ tử vong rất cao.

Bà Lý (Vân Nam, Trung Quốc) năm nay ngoài 40 tuổi, được con gái đưa đi khám tiêu hóa vì hay đau bụng. Điều đặc biệt là cơn đau của bà thường trở nên dữ dội hơn mỗi khi ăn đồ dầu mỡ hoặc đồ cứng, nhiều gia vị cùng lúc. Lúc đầu, bà cho là mình bắt đầu có tuổi nên dạ dày yếu đi, thường tự dùng thuốc theo thói quen. Đến khi cơn đau bụng trên ngày càng dữ dội, lan cả ra sau lưng khiến bà khó khăn trong sinh hoạt thì mới chịu đi thăm khám.

Người có tuyến tụy kém thường đau ở 3 vị trí, nếu bỏ qua ung thư sẽ đến lúc nào không hay- Ảnh 1.

Đi khám dạ dày, người phụ nữ phát hiện ung thư tuyến tụy giai đoạn 3 (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, bác sĩ cho biết cơ quan gặp vấn đề của bà Lý không phải là dạ dày mà là tuyến tụy. Bà Lý thậm chí còn không biết cơ quan này nằm ở vị trí nào và có chức năng gì trong cơ thể. Khi được phát hiện, bệnh ung thư tuyến tụy của bà đã ở giai đoạn 3 và có tiên lượng rất xấu. Bác sĩ nói rằng thời gian sống của bà chỉ còn được tính bằng tháng. Bà rất hối hận khi biết nguyên nhân mắc bệnh liên quan tới thói quen ăn uống xấu đã nhiều năm và sự chủ quan trước những dấu hiệu bệnh của mình.

Người có tuyến tụy kém, mắc bệnh thường đau ở 3 vị trí

Giống như bà Lý, có rất nhiều người ít quan tâm và thiếu kiến thức về tuyến tụy. Đây là một cơ quan nhỏ nhưng vô cùng quan trọng, nằm sâu trong ổ bụng ở vùng bụng trên bên trái và vị trí của nó là ở phía sau dạ dày. Xung quanh tuyến tụy bao gồm những cơ quan khác như ruột non, lá lách. Cơ quan này ở người trưởng thành dài khoảng 12 - 15cm, hình thùy giống con cá kèo, đảm nhận đồng thời chức năng nội tiết (1%) và ngoại tiết tiêu hóa (99%).

Đối với chức năng nội tiết, tuyến tụy thực hiện điều chỉnh lượng đường trong máu, sản xuất các hormone insulin, glucagon, somatostatin và polypeptide. Đối với chức năng ngoại tiết, tuyến tụy đảm nhận tiết dịch tụy vào tá tràng thông qua ống tụy, có chứa bicarbonate, giúp trung hòa axit từ dạ dày vào tá tràng, ngoài ra còn có các enzym tiêu hóa, giúp phân hủy carbohydrate, protein, chất béo trong thức ăn.

Có thể nói đây là “nhà máy hóa chất” trong cơ thể chúng ta. Một khi tuyến tụy có vấn đề cũng giống như dây chuyền sản xuất của nhà máy gặp trục trặc, quá trình trao đổi chất của toàn cơ thể sẽ bị ảnh hưởng và gây ra đau ở 3 vị trí sau:

- Cơn đau ở giữa vùng bụng trên: Đây là tín hiệu sớm nhất và rõ ràng nhất khi tụy yếu, bị tổn thương. Cơn đau có thể âm ỉ, ngứa ran hoặc dai dẳng, đặc biệt là sau mỗi bữa ăn.

- Cảm giác đau ở lưng, đặc biệt là ở phần lưng trên: Điều này là do tuyến tụy nằm phía sau dạ dày và tình trạng viêm có thể kích thích các dây thần kinh ở lưng.

- Đau phía dưới xương ức: Do tình trạng viêm tuyến tụy lan lên trên và kích thích các dây thần kinh dưới cơ hoành.

Người có tuyến tụy kém thường đau ở 3 vị trí, nếu bỏ qua ung thư sẽ đến lúc nào không hay- Ảnh 2.

Đau vùng bụng trên, nhất là sau khi ăn là dấu hiệu quan trọng cho thấy tuyến tụy đã tổn thương (Ảnh minh họa)

5 lưu ý quan trọng để có tuyến tụy khỏe

Theo các chuyên gia, nếu không có cảm giác đau ở 3 vị trí kể trên thì rất có thể tuyến tụy vẫn khỏe mạnh. Tuy nhiên, cũng không nên quá chủ quan vì rất nhiều vấn đề về tuyến tụy, bao gồm cả ung thư đôi khi diễn ra âm thầm, không hề có triệu chứng rõ ràng. Điều quan trọng là nên chăm sóc tuyến tụy sớm và thăm khám định kỳ để phát hiện bệnh - điều trị kịp thời.

Trong đó, có 5 việc bạn nên làm càng sớm càng tốt, đó là:

- Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống được coi là tuyến phòng thủ đầu tiên của tuyến tụy. Nên ăn đủ 3 bữa một ngày, đúng giờ, ít chất béo, ít dầu mỡ, ít đường và nhiều chất xơ. Đặc biệt là không ăn tối quá muộn.

-  Kiểm soát cân nặng: Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tiểu đường và viêm tụy. Duy trì cân nặng luôn trong tình trạng ổn định, không tăng hay giảm quá nhiều cũng quan trọng cho tụy khỏe.

- Ngủ sớm, ngủ đủ giấc: Thức khuya và thiếu ngủ có hại cho tuyến tụy nói riêng và toàn bộ cơ thể nói chung. Nên ngủ trước 23 giờ và ngủ ít nhất 6 giờ, 80% là giấc ngủ ban đêm. Tuy nhiên, cũng không nên ngủ nướng quá 9 giờ sáng và ngủ quá 10 tiếng một ngày.

- Vận động đều đặn: Tăng cường hoạt động thể chất có thể đẩy nhanh các enzym tiêu hóa do tuyến tụy tiết ra và tuần hoàn máu, giúp thức ăn được phân hủy và hấp thụ tốt hơn. Lưu ý là không cần tập luyện quá nặng, quan trọng là duy trì đều đặn.

- Quản lý căng thẳng: Căng thẳng tinh thần lâu dài hoặc các cảm xúc tiêu cực khác có thể ảnh hưởng đến việc tiết hormone tuyến tụy và dẫn đến lượng đường trong máu bất thường.

Nguồn và ảnh: Aboluowang, Daily Mail