Nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng: TPHCM khẩn cấp ứng phó

Số ca mắc bệnh tay chân miệng tại khu vực các tỉnh phía Nam đang tăng nhanh, nhiều trường hợp chuyển biến nặng gây áp lực lên hệ thống điều trị. Trước nguy cơ bùng phát dịch, ngành y tế TPHCM đã chuẩn bị nhiều phương án ứng phó nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho bệnh nhi.

Ngày 21/6, thông tin từ Viện Pasteur TPHCM cho biết, tính đến hết tuần 23, toàn khu vực phía Nam đã ghi nhận hơn 9.000 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM), trong đó có 4 ca tử vong với chẩn đoán TCM độ 4. Đặc biệt, các trường hợp tử vong đều có xét nghiệm dương tính với Enterovirus 71 (EV71).

Tại TPHCM, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (HCDC) cho biết, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm trên địa bàn ghi nhận số ca mắc TCM bắt đầu tăng từ tuần thứ 19 và tăng nhanh từ tuần thứ 21 đến nay. Gần 6 tháng đầu năm, toàn thành phố đã có hơn 2.400 ca mắc TCM.

Tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, theo ghi nhận của PV, hiện mỗi ngày tiếp nhận, điều trị cho gần 40 trường hợp trẻ mắc tay chân miệng. BS Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm cho biết, số ca bệnh nặng từ các tỉnh chuyển đến ngày càng nhiều, trong đó có nhiều ca bệnh nặng đang gây áp lực lên công tác điều trị. Đặc biệt, tại phòng cấp cứu của khoa Nhiễm, các bệnh nhi đã phải thực hiện nằm ghép.

Nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng: TPHCM khẩn cấp ứng phó - Ảnh 1.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng điều trị tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM. Ảnh: Vân Sơn

Về công tác thu dung điều trị bệnh TCM, Sở Y tế TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay đã có 936 ca TCM điều trị nội trú tại các bệnh viện của TPHCM. Trong đó, có 46 ca nặng, 4 trường hợp tử vong (là các bệnh nhi nặng chuyển từ các tỉnh về).

Trung bình mỗi ngày, số trẻ bị TCM nhập viện tại 3 bệnh viện nhi trên địa bàn là khoảng 40 trường hợp, trong đó bệnh nhi ngụ tại TPHCM chiếm khoảng 20%, số còn lại là bệnh từ các tỉnh.

Sở Y tế TPHCM vừa yêu cầu 3 bệnh viện Nhi đồng của thành phố và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM tiếp tục phối hợp với OUCRU giải trình tự gen xác định các genotype gây bệnh nặng của EV71 từ các bệnh phẩm của các bệnh nhân TCM.

Hiện nay, tổng số ca TCM đang điều trị nội trú là 147 trẻ, tất cả đều dưới 6 tuổi, trong đó có 18 trẻ TCM nặng đang điều trị tại các khoa hồi sức tích cực của 3 bệnh viện nhi đồng, trong đó có 1 trường hợp ngụ tại phường Tân Thới Nhất (quận 12, TPHCM), còn lại là các trường hợp chuyển từ các tỉnh về. Đáng chú ý, có 14 trường hợp đang trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy, trong đó có 1 ca phải lọc máu.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số ca mắc TCM tăng nhanh cùng với sự xuất hiện trở lại của Enterovirus 71 genotype B5, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TPHCM cảnh báo, nếu không có phương án phòng chống hiệu quả, dịch TCM sẽ bùng phát trên diện rộng và có thể kéo dài đến khoảng tháng 10 hoặc tháng 11.

Theo BS Hữu Khanh, thiếu thuốc điều trị đang là nguyên nhân gia tăng số ca trẻ chuyển biến nặng khi nhiễm EV71. Tình trạng thiếu thuốc ở các tỉnh phía Nam khiến các bệnh viện chuyển trẻ lên TPHCM ngày càng nhiều, gây áp lực rất lớn lên hệ thống điều trị của thành phố.

Nhằm chủ động nguồn lực, sẵn sàng cho hệ thống điều trị, đáp ứng tình huống số ca mắc tăng cao, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết, đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị bệnh TCM trên địa bàn theo 3 kịch bản ứng phó với các trường hợp nặng (từ độ 2A trở lên, ước tính chiếm khoảng 10% số ca bệnh nội trú).