Nhận biết triệu chứng viêm tụy cấp, tránh nhầm lẫn với bệnh tiêu hóa

Nguyên nhân gây khởi phát viêm tuỵ cấp phổ biến nhất là sỏi mật và uống rượu. Các trường hợp viêm tụy nhẹ có thể cải thiện khi điều trị, nhưng các trường hợp nặng có thể gây ra các biến chứng, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Sau những ngày Tết, tỷ lệ người bị viêm tụy cấp tăng cao do uống bia rượu quá nhiều. Các nhà nghiên cứu và chuyên gia y tế cho biết uống rượu liên tục hoặc uống quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tụy cấp và mãn tính. Mặc dù bản chất của liên kết này vẫn chưa rõ ràng, nhưng rượu có thể làm tăng sản xuất các chất gây tổn thương mô tụy và dẫn đến phản ứng viêm nghiêm trọng.

Đáng chú ý hơn, một số triệu chứng của viêm tuỵ cấp dễ gây nhầm lẫn với bệnh tiêu hoá như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, khó tiêu, sốt, …

Vì vậy, khi có các dấu hiệu trên, người bệnh cần đến bệnh viện để được thăm khám và làm các xét nghiệm liên quan để chẩn chính xác.

1. Triệu chứng viêm tuỵ cấp

Một số triệu chứng phổ biến của viêm tuỵ cấp mà mọi người nên biết để có thể đưa ra những nhận định ban đầu và có hướng xử lý phù hợp:

- Đau bụng một cách đột ngột, nhất là sau khi ăn nhiều dầu mỡ, uống nhiều rượu bia: Người bệnh thấy đau ở trung tâm vùng bụng trên, bên dưới xương ức hoặc xương ức. Cơn đau có thể tăng lên và trở nên nghiêm trọng, và nó có thể lan ra sau lưng. Nghiêng người về phía trước có thể làm dịu cơn đau, nhưng nằm xuống hoặc đi lại có thể khiến tình trạng tồi tệ hơn.

Triệu chứng này dễ gây nhầm lẫn với các bệnh như đau dạ dày, đau ruột thừa, … nên khi cơn đau kéo dài không thuyên giảm, người bệnh không được chủ quan mà cần đến bệnh viện kiểm tra sớm.

Nhận biết triệu chứng viêm tụy cấp, tránh nhầm lẫn với bệnh tiêu hóa - Ảnh 1.

Đau bụng là triệu chứng dễ gây nhầm lẫn giữa viêm tuỵ cấp với các bệnh tiêu hoá như dạ dày, đau ruột thừa (Ảnh: Internet)

- Buồn nôn hoặc nôn mửa: Người bệnh chủ yếu nôn ra nước, sau khi nôn triệu chứng đau bụng không hề thuyên giảm.

- Tiêu chảy, sưng và đau bụng

- Sốt

- Những người bị viêm tụy nặng có thể bị nhiễm trùng, mệt mỏi, lờ đờ, môi khô, huyết áp thấp, mạch nhanh, suy hô hấp, da xanh tím vùng rốn hoặc vùng hông nếu là viêm tuỵ thể xuất huyết.

Khi xuất hiện các triệu chứng như trên, người bệnh không nên tự ý điều trị và chẩn đoán theo cảm tính. Lúc này nên đến bệnh viện để kiểm tra chính xác bệnh lý.

2. Viêm tuỵ cấp nguy hiểm như thế nào?

Nếu viêm tuỵ ở thể nhẹ có thể cải thiện dễ dàng khi tuân thủ đúng phác đồ điều trị, khi bệnh thuyên giảm và được ăn uống nên duy trì chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh.

Nếu viêm tuỵ ở thể nặng có thể dẫn tới nhiều biến chứng, thậm chí là đe doạ đến tính mạng, cụ thể:

- Tắc nghẽn ống mật hoặc ống tụy

- Rò rỉ ống tụy

- Nang giả tuỵ (một túi phình chứa một lượng dịch tụy bị rò rỉ ra khỏi tuyến tụy.) có nguy cơ vỡ, xuất huyết hoặc nhiễm trùng

- Tổn thương tuyến tụy

- Sự tích tụ chất lỏng xung quanh phổi

- Tắc nghẽn trong mạch dẫn máu từ lá lách

- Nhiễm trùng huyết

- Sốc giảm thể tích

- Suy tim, phổi và thận cũng có thể xảy ra.

- Suy dinh dưỡng. Cả viêm tụy cấp tính và mãn tính đều có thể khiến tuyến tụy của bạn sản xuất ít enzym cần thiết hơn để phân hủy và xử lý chất dinh dưỡng từ thực phẩm bạn ăn. Điều này có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, tiêu chảy và giảm cân.

Do đó, bất cứ ai có triệu chứng viêm tụy cấp tính hoặc mãn tính nên được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.

Nhận biết triệu chứng viêm tụy cấp, tránh nhầm lẫn với bệnh tiêu hóa - Ảnh 2.

Viêm tuỵ cấp có thể đe doạ tính mạng của người bệnh (Ảnh: Internet)

3. Làm thế nào để phòng ngừa viêm tuỵ cấp

Nguyên nhân phổ biến gây viêm tụy cấp là sỏi mật và lạm dụng bia rượu. Vì vậy, cách phòng ngừa viêm tuỵ cấp tốt nhất là phòng ngừa hoặc điều trị sỏi mật và hạn chế bia rượu.

Đặc biệt, mọi người nên duy trì lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống hợp lý. Như vậy, không những phòng ngừa được tình trạng viêm tuỵ cấp mà còn có thể phòng ngừa được nhiều bệnh lý khác.

- Ăn uống cân bằng, điều độ: Bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như rau xanh, hoa quả, các loại hạt, ... hạn chế những thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, ... nhất là những người đang bị sỏi mật hoặc viêm tuỵ mãn tính.

- Tránh xa bia rượu: Loại đồ uống này không chỉ gây viêm tụy cấp mà còn gây ra nhiều bệnh tật khác như tim mạch, gan, dạ dày, ung thư, …

- Tập thể dục thường xuyên, mọi người có thể lựa chọn những bài tập đơn giản như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, ... Mỗi ngày các bạn nên dành ra 30 phút để vận động thể dục.

4. Chế độ ăn uống hồi phục cho người bị viêm tuỵ cấp

Viêm tuỵ cấp là tình trạng có thể tái phát nếu như không duy trì chế độ ăn uống và lối sống khoa học. Vì vậy, sau khi hồi phục, người bệnh nên duy trì chế độ ăn uống phù hợp như:

- Ăn từ 6 đến 8 bữa nhỏ trong ngày

- Ưu tiên sử dụng chất béo MCTs - đây là chất béo dễ hấp thu, cung cấp năng lượng cho cơ thể. Loại chất béo này không cần các enzym tuyến tụy để tiêu hóa nên sẽ tốt cho những người đang hồi phục sau viêm tuỵ cấp.

- Không nên ăn quá nhiều chất xơ cùng lúc vì có thể gây ra tình trạng tiêu hoá chậm, hấp thu dưỡng chất kém.

- Uống đủ nước và luôn mang nước hoặc chất điện giải bên người.

- Bổ sung những thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, có tác dụng chống viêm như rau cải xanh, khoai lang, nấm, các loại quả mọng, ...

- Tránh xa các loại đồ uống có chất kích thích như bia rượu, đồ uống có gas, ...

Có thể nói, viêm tuỵ cấp là tình trạng sức khoẻ nguy hiểm. Uống nhiều rượu là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. Do đó, để phòng ngừa viêm tuỵ cấp, chế độ ăn uống và lối sống cân bằng là điều cần thiết.