4 ngày trước, chị N.T.N. (30 tuổi, ngụ huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) đến một bệnh viện ở Bạc Liêu khám trong tình trạng nổi nhiều nốt nhọt, rỉ dịch, sưng và đau vùng cằm hàm kèm dấu hiệu nhiễm trùng như sốt.
Trước đó, chị N. có tiêm chất làm đầy (filler) "để làm đẹp" trên vùng mặt không rõ nguồn gốc.
Bác sĩ chẩn đoán chị N. bị viêm mô tế bào vùng cằm sau tiêm filler thẩm mỹ. Theo bác sĩ, đây là biểu hiện của biến chứng nhiễm trùng sau tiêm filler do kỹ thuật không bảo đảm vô trùng và sử dụng các sản phẩm không an toàn.
Chị N. được bác sĩ điều trị truyền kháng sinh, kháng viêm, tích cực chăm sóc vùng da nhiễm trùng. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân dần hồi phục da và dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Theo BS.CKI Nguyễn Hồng Trứ, khi tiêm các chất làm đẹp không rõ nguồn gốc xuất xứ, người được tiêm rất dễ gặp các biến chứng thẩm mỹ từ nhẹ đến nặng.
Trường hợp chị N. do được phát hiện và điều trị kịp thời nên nhanh chóng phục hồi, không để lại sẹo. Tuy nhiên, những trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến tắc mạch, hoại tử,....
Bác sĩ khuyến cáo, khi có nhu cầu làm đẹp, người dân cần tìm hiểu kỹ về nơi thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ, lựa chọn cơ sở uy tín, có chuyên môn cao, đã được cấp phép hoạt động bởi cơ quan có thẩm quyền; đồng thời, sử dụng những loại thuốc tiêm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng.
"Khi thấy những biểu hiện bất thường sau khi tiêm chất thẩm mỹ (filler, botox, meso,...) như sưng tấy, đau nhức, áp xe, nhiễm trùng, sốt thì người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm", bác sĩ Trứ lưu ý.