Tác hại của ăn quá nhiều thịt
Thiếu chất xơ tiêu hóa: Việc ăn quá nhiều thịt mà bỏ qua các thực phẩm khác như rau xanh, ngũ cốc… sẽ khiến bạn bị đầy hơi, táo bón hoặc tiêu chảy, do tiêu hóa kém. Thịt chứa nhiều chất dinh dưỡng, nhưng thứ còn thiếu là chất xơ, rất quan trọng cho quá trình tiêu hóa và điều chỉnh lượng đường trong máu. Nếu không có nó, bạn có thể bị khó tiêu nghiêm trọng, bao gồm chuột rút và tệ hơn, như Joe Rogan đã phát hiện ra về chế độ ăn toàn thịt.
Gây mùi cơ thể: Khi bạn ăn, cơ thể sẽ sử dụng năng lượng để tiêu hóa và xử lý thức ăn. Đây được gọi là quá trình sinh nhiệt do chế độ ăn gây ra, và nó thực sự có thể làm tăng nhẹ nhiệt độ cơ thể. Vì protein là thức ăn cần nhiều năng lượng nhất để tiêu hóa, nên nó có thể có tác động lớn hơn đến quá trình sinh nhiệt so với các loại thực phẩm khác. Vì vậy, việc ăn quá nhiều thịt sẽ làm cơ thể bạn đổ mồ hôi nhiều hơn và gây nên mùi cơ thể khó chịu.
Không tốt cho người giảm cân: Một chế độ ăn giàu protein có thể hỗ trợ giảm cân bằng cách giúp bạn no lâu hơn nhưng lại rất giàu calo. Những loại có nhiều calo nhất bao gồm phần thịt nạc và các sản phẩm chế biến sẵn như bánh mì kẹp thịt ở nhà hàng, thịt xông khói, giăm bông và xúc xích. Vì vậy, nếu bạn đang cố gắng giảm cân, hãy cố gắng giảm thịt trong khẩu phần ăn của mình. Hơn nữa trong thịt đỏ chứa rất nhiều nito, và cơ thể sẽ cần một lượng nước lớn để có thể xử lý, nếu không uống đủ nước, bạn có thể mắc phải tình trạng mệt mỏi kéo dài, ngất xỉu.
Tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư: Các nghiên cứu đã cho thấy người tiêu thụ nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, cũng như bệnh tim mạch cao hơn bình thường. Các loại thịt đã qua chế biến như giăm bông, thịt xông khói, xúc xích và hotdog đều được xử lý bằng chất bảo quản hóa học gọi là nitrat - chất gây ra nguy cơ cao mắc bệnh ung thư ruột kết, thận và dạ dày.
Mỗi ngày nên ăn bao nhiêu gram thịt?
Kỹ sư Lê Thị Mai Linh, khoa Dinh Dưỡng - Tiết chế Bệnh viện Đại học Y dược cho biết lượng protein (đạm) cần nạp vào ở mỗi người tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, sinh lý, đang mang thai, cho con bú, bệnh lý và mức độ, lao động. Lượng đạm một người cần bổ sung từ 1,1 đến 1,3 g trên mỗi kg trọng lượng một ngày, trong đó đạm động vật chỉ nên chiếm 50% tổng nhu cầu đạm. Mức này bằng 13-20% nhu cầu năng lượng (calo) hàng ngày.
Có hai nguồn đạm chính là đạm thực vật và đạm động vật. Đạm thực vật bao gồm các loại đậu như đậu nành, đậu xanh, đậu đen..., sản phẩm từ đậu như giá đỗ, đậu phụ; yến mạch, các loại hạt như hạt hướng dương, hạt mè, các loại rau xanh đậm... Đạm động vật bao gồm các loại thịt (heo, bò, gà, vịt), cá, trứng, hải sản, tôm cua...
Tuy nhiên, theo kỹ sư Mai Linh, khi nói đến đạm, nhiều người Việt vẫn thường nghĩ ngay đến thịt, cá, đạm động vật.
"Đạm động vật tối đa chỉ nên chiếm 50% lượng đạm cả ngày", kỹ sinh dinh dưỡng cho biết.
Ví dụ, một người nữ 20 tuổi, cao 1,6m, nặng 56 kg, điều kiện sức khỏe bình thường, không mang thai hay cho con bú, không có bệnh thì lượng đạm được tính với công thức: 56 x (1,1-1,3) tức khoảng 63 g - 73 g. Trung bình cần khoảng 68 g đạm mỗi ngày.
Trong đó lượng đạm động vật chiếm 50%, tức cần bổ sung 34g đạm động vật. Để có 10g đạm động vật thì cần tiêu thụ 50 g thịt. Vậy người này sẽ cần khoảng 170 - 210 g thịt cá mỗi ngày.
Lượng thức ăn từ đạm động vật hay thực vật nên được thay thế trong cùng một nhóm, không nên thay thế khác nhóm. Ví dụ ở nhóm đạm động vật, thay vì ăn 50 g thịt có thể thay bằng 60 g trứng, tức 1 quả trứng công nghiệp lớn, 2 quả trứng gà ta. Hoặc có thể thay bằng 50g cá nục, khoảng 1 con cá nhỏ, hay 55g tôm, cỡ 4 con tôm trung bình, 55 g cá lóc, tương đương 1 lát cá vừa.
"Nếu ăn quá nhiều protein động vật sẽ dễ dẫn đến bệnh gout, các axit uric lắng đọng gây nên bệnh khớp, tim mạch. Ngoài ra, các axit béo trong thịt dưa thừa tạo thành mỡ gây béo phì và loãng xương. Tuy nhiên nếu ăn quá ít đạm động vật thì sẽ gây suy giảm hệ miễn dịch, suy dinh dưỡng, không đủ dưỡng chất đặc biệt là với thanh thiếu niên tuổi mới lớn", kỹ sư Linh cho biết.
Mỗi người nên ăn đa dạng các loại thực phẩm đủ 4 nhóm chất đường bột, đạm (đạm động vật, đạm thực vật), chất béo, vitamin và khoáng chất.
"Mỗi tuần nên ăn ít nhất 3 bữa cá và nên bổ sung đậu phụ trong mỗi bữa ăn để đa dạng nguồn đạm", kỹ sư Linh khuyến cáo.
Trúc Chi (theo Sức khỏe & Đời sống, Vnexpress)