Cộng đồng người Thái ở xã Hòa Phú (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chủ yếu từ các tỉnh Sơn La, Lai Châu di cư vào lập nghiệp từ cuối năm 1960.
Lý giải về điều này, ông Lương Văn Hùng (SN 1957, trú tại thôn 9, xã Hòa Phú), Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thái xã Hòa Phú cho biết: “Thời điểm đó, chỉ có một vài hộ người Thái ở các tỉnh phía Bắc vào khu vực xã Thọi Thành (nay là xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột) để sinh sống, lập nghiệp. Với tập quán thích sống tập trung, gắn bó nên ngay khi có mặt trên vùng đất mới, các hộ dân người Thái đã tập trung vào rừng làm nương rẫy, trồng lúa, hái măng,... rồi mang những sản phẩm thu hoạch được đi đổi lấy hàng hóa. Cứ thế, cuộc sống của bà con gắn bó bên dòng sông Sêrêpốk xanh trong, hiền hòa từ năm này qua năm khác”.
Cũng theo ông Hùng, sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, số hộ dân người Thái tại xã Hòa Phú ngày càng tăng dần. Đến nay, trên toàn xã Hòa Phú có gần 600 hộ dân người Thái, với 2.500 nhân khẩu, sống tập trung ở thôn 1 và thôn 9.
Nhờ đoàn kết, cần cù, chịu khó nên đời sống kinh tế của cộng đồng người Thái ở xã Hòa Phú ngày càng ổn định, khấm khá, không còn hộ nghèo. Song song với làm kinh tế, sản xuất, bà con người Thái luôn chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nên không có ai bị vi phạm pháp luật. Không chỉ vậy, thời gian qua, nhiều hộ dân người Thái còn tự nguyện hiến đất làm đường nông thôn mới với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Đặc biệt, tuy định cư trên vùng đất cao nguyên đã lâu nhưng cộng đồng người Thái vẫn duy trì những nét văn hóa đặc sắc của tộc người mình trong dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ trong năm. Theo đó, cứ vào ngày Rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm, cộng đồng người Thái tại xã Hóa Phú lại cùng nhau tổ chức Lễ hội cổ truyền của đồng bào người Thái.
Lễ hội đã diễn ra trong không khí sôi nổi với nhiều hoạt động như: múa sạp, múa xòe, ném còn giao duyên và những câu hát, điệu khèn, rực rỡ sắc màu...
Lễ hội cổ truyền của đồng bào người Thái là nơi hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Thông qua lễ hội, cộng đồng người dân tộc Thái mong muốn giúp cho các thế hệ trẻ biết, cảm nhận và gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Chị Điêu Thị Nhung (trú tại thôn 1, xã Hòa Khánh) chia sẻ: “Qua lễ hội cổ truyền, người Thái mong muốn khơi gợi niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ trẻ. Để từ đó, mọi người cùng nhau gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc”.
Bên cạnh đó, ngày hội cũng là thời điểm để các cô gái Thái khoe những bộ trang phục truyền thống, khăn piêu nhiều màu sắc và cùng nhau chơi các trò chơi dân gian.
Ngoài ra, ẩm thực Thái tại ngày hội cũng để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân, du khách với các món truyền thống như: cá nướng, cơm lam, gà nướng, thịt chua, thịt trâu gác bếp...
Khánh Ngọc