Thách thức của cán bộ dân số vùng sâu
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp Y tế Đắk Lắk, chị H’Thúy Ayŭn (sinh năm 1990) được tuyển dụng vào làm tại Trạm Y tế xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) và được phân công phụ trách công tác dân số.
Xã Cư M’gar – nơi chị H’Thúy công tác là địa phương có 11 thôn, buôn, trong đó có 7 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Do trình độ dân trí còn hạn chế nên người dân nơi đây vẫn còn mang nặng tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”. Do đó, tỷ lệ sinh con thứ ba của xã luôn ở mức cao.
Trước tình hình trên, sau khi được phân công làm cán bộ chuyên trách dân số xã, chị đã cùng với đội ngũ cộng tác viên dân số của xã kiên trì thuyết phục, vận động bà con. Từ đó, giúp người dân địa phương thay đổi nhận thức về công tác dân số, chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Chị H’Thúy lý giải: “Việc tuyên truyền, vận động thực hiện công tác dân số - kế hoạch gia đình đối với gia đình người dân tộc Kinh đã khó, với những người đồng bào dân tộc thiểu số càng không hề đơn giản. Bởi nhiều gia đình vẫn còn mang nặng tư tưởng “trời sinh voi, sinh cỏ”, “trọng nam, khinh nữ”, khiến cán bộ dân số phải kiên trì, “ bám nắm” địa bàn để thuyết phục…”.
Những chuyển biến tích cực
Với quyết tâm vượt qua khó khăn, chị H’Thúy và các cộng tác viên dân số đã nhiều lần lặn lội đến từng nhà dân, nói chuyện, tâm sự. “Mưa dầm, thấm lâu”, nhiều gia đình dần hiệu ra tầm quan trọng của việc kế hoạch hóa gia đình nên từng bước thực hiện các biện pháp tránh thai phù hợp.
Chị H’Thúy cũng nỗ lực học hỏi kinh nghiệm từ sách, báo và những người đi trước để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Bằng các kiến tự học hỏi, chị H’Thúy đã có nhiều cách làm hay để giúp bà con trong các buôn làng trên địa bàn xã Cư Mar biết để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.
“Để công tác dân số đạt kết quả cao, nhiều năm qua, tôi đã cùng với các cộng tác viên dân số trong xã tổ chức rà soát lại số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, cặp vợ chồng đã có 2 con, hoặc có 2 con nhưng sinh con một bề là gái để chủ động đến gặp gỡ, vận động. Chúng tôi luôn bám sát các chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình của huyện để triển khai vận động chị em”, chị H’Thúy chia sẻ.
Chị H’Thúy còn thường xuyên gặp gỡ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ để giải đáp những vướng mắc, khó khăn, phát tờ rơi. Từ đó, giúp họ biết cách chăm sóc bà mẹ mang thai, cách cho con bú, các phương pháp nuôi con nhỏ và sử dụng các biện pháp tránh thai…
Với những nỗ lực của bản thân chị H’Thúy, các cán bộ dân số và chính quyền địa phương, bước đầu công tác dân số ở xã Cư M’gar đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, nhiều gia đình sinh con một bề toàn gái nhưng không sinh thêm, mà tập trung nuôi con ăn học.
Ông Y’ Núp Niê, Buôn Trưởng Buôn Kna B, xã Cư M’gar cho biết, trước đây, mỗi cặp vợ chồng trong buôn đều sinh ít nhất từ 2 đến 3 con trở lên. Tuy nhiên, được chị H’Thúy và cán bộ dân số đến để tuyên truyền, vận động, người dân từng bước thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời, người dân cũng chăm lo sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh đóm thực hiện tốt công tác ăn ở hợp vệ sinh, nhất lá chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, dân số.
“Nhờ có sự tuyên truyền của cán bộ y tế xã mà đến nay người dân trong buôn đã có nhận thức đúng, đầy đủ, kết hôn đúng độ tuổi theo quy định. Nạn tảo hôn hay hôn nhân cận huyết đã dần được loại bỏ. Người dân đã có ý thức hơn trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện tốt dân số kế hoạch hóa gia đình. Tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở trong Buôn đã giảm nhiều so với những năm trước”, ông Y’Núp cho hay.
Sự nhiệt tình của H’Thúy và các cộng tác viên dân số ở cơ sở đã góp phần giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 của địa phương. Nếu như năm 2022, tình trạng sinh con thứ 3 tại xã vẫn chiếm tỷ lệ khá cao thì đến năm 2023, toàn xã còn 38 trường hợp. Những nỗ lực của chị H’Thúy không chỉ được nhân dân trong xã quý mến mà còn được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.
Khánh Ngọc