Thị là loại quả có mùi thơm rất đặc biệt. Vậy quả thị có ăn được không?
Quả thị có ăn được không?
Thị là loại quả có nhiều vào mùa thu miền Bắc. Vì có mùi thơm đặc trưng nên quả thị được nhiều người yêu thích để tạo mùi thơm cho căn phòng, xe ô tô.... Tuy nhiên quả thị có ăn được không?
Báo dẫn lời TS.Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết hương thơm của quả thị có tác dụng trấn tĩnh, thư giãn, giảm căng thẳng thần kinh.
Theo lương y Giang, quả thị vị ngọt, chát nhẹ, nếu biết cách ăn, chúng ta cũng có thể cảm nhận được hương vị thơm ngon của nó. Cách ăn là xoay quả và bóp nhẹ cho đến khi thịt quả mềm ra và nứt ra một khe nhỏ thì cho lên miệng hút.
Báo Phụ nữ Việt Nam dẫn lời Ths Lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Hội đông y Việt Nam) cho biết, một số nghiên cứu của khoa học hiện đại chỉ ra rằng, vỏ quả thị chứa tinh dầu, còn thịt quả thị có 86,2% nước; 0,16% chất béo; 0,67% chất protit; 12% gluxit; 0,33% tanin; 0,47% xenluloza.
Trong đông y, ngoài quả thị thì một số bộ phận khác của cây thị đều có thể bào chế thành các vị thuốc chữa bệnh khác nhau như sốt, ngộ độc, nôn mửa.
Theo đó, phần vỏ quả thị mọi người thường hay vứt bỏ khi ăn chứa lượng tinh dầu thơm nhiều nhất, chính lượng tinh dầu này có tác dụng tiêu viêm, tiêu độc và dùng ngoài da để chữa bệnh giời leo, rắn cắn.
Với những ai bị giời leo có thể lấy vỏ thị khô, đốt thành than rồi tán mịn, sau đó bôi lên vùng tổn thương. Chữa rắn cắn bằng cách phơi khô vỏ thị, đốt thành than, tán nhuyễn rồi cho thêm chút dầu mè hoặc mỡ lợn, sau đó đắp lên vết cắn.
Vỏ quả thị còn giúp trị vết nám má hiệu quả bằng cách, dùng quả thị sấy khô mỗi ngày 3 lần, mỗi lần một quả, ăn thường xuyên có thể hỗ trợ loại bỏ các vết nám trên má.
Những điều cần lưu ý khi ăn quả thị
Tuy mang lại lợi ích với sức khỏe nhưng Lương Y Phùng Tuấn Giang khuyên rằng, chúng ta chỉ nên ăn quả thị đã chín mềm, không nên ăn quả xanh và quả chưa chín kỹ bởi hàm lượng tanin cao trong quả chưa chín sẽ tạo vị chát khó ăn. Không những thế, có thể khiến niêm mạc ruột bị săn se lại, ảnh hưởng nhu động ruột, thậm chí còn vón lại tạo thành khối ở trong đường tiêu hóa có thể gây bán tắc ruột hoặc tắc ruột.
Ngoài ra, khi ăn thị cũng chỉ nên ăn thưởng thức, không ăn quá nhiều thị. Bởi quả thị cũng như quả hồng có chứa chất tanin nếu ăn lúc đói gây cồn cào ruột, ăn nhiều sẽ dễ vón cục trong đường tiêu hóa và dẫn đến tắc ruột.
Có không ít người phải nhập viện cấp cứu vì tắc ruột do ăn nhiều những loại quả có chất tanin như quả hồng, quả thị…
Tuy có thể sử dụng để làm thuốc nhưng các chuyên gia cũng khuyến cáo khi dùng thị làm bài thuốc chữa bệnh mọi người cần tham khảo ý kiến của người có chuyên môn trước, không tùy ý sử dụng. Nguyên nhân là do cơ địa mỗi người mỗi khác, có thể người này hợp với bài thuốc này, nhưng người khác lại không phù hợp.
Với những thông tin trên chắc hẳn bạn đã có giải đáp cho câu hỏi "Quả thị có ăn được không?" rồi phải không.