Sau đại dịch COVID-19, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn rơi vào stress, trầm cảm

Đại dịch COVID-19 đã qua, thế nhưng đến hiện tại, dư âm mà nó để lại vẫn còn rất lớn, trong đó có nhiều người rơi vào stress, trầm cảm,... đặc biệt là các chủ doanh nghiệp.

Đã hơn 1 năm qua, N.L (28 tuổi, Đà Nẵng) vẫn rơi vào tình trạng chán nản, stress vì quán cà phê 5 năm tâm huyết của cô đã phải đóng cửa. Cô rơi vào trầm mặc, thu mình lại một góc vì tự trách năng lực yếu kém, không thể 'cưu mang' hơn 20 nhân viên của mình. Thậm chí, số tiền vay ngân hàng để mở rộng mặt bằng quán, vẫn chưa thể trả hết. Trước giờ cô chưa từng nghĩ bản thân lại phải đối mặt với tình cảnh như ngày hôm nay. Tất cả do đại dịch COVID-19.

Tương tự, ông Vũ, từng là chủ doanh nghiệp, nhưng sau đại dịch COVID-19 ông phải thu nhỏ thị phần, các cổ đông lần lượt rời đi… Điều này khiến ông rơi vào trạng thái chán chường.

Đây chỉ là một trong số những ông chủ, bà chủ bị 'thất nghiệp' từ sau đại dịch COVID-19, nhiều người rơi vào tình trạng stress, trầm cảm không có lối thoát.

Theo chuyên gia tâm lý, chuyên gia lập trình ngôn ngữ tư duy - thuộc Trung tâm hỗ trợ cộng đồng tại Hà Nội, Hoàng Thị Thu Nhiên, hơn 1 năm qua bà không nhớ nổi mình cùng các cộng sự đã hỗ trợ bao nhiêu trường hợp thoát khỏi trạng thái tồi tệ.

"Những người tìm đến đây thường là họ đã rơi vào trạng thái cực đoan, thu mình lại… Đặc biệt đợt đại dịch COVID-19 vừa qua, có rất nhiều trường hợp mất việc làm, công ty làm ăn thua lỗ… như L hay ông Vũ bị stress kéo dài đã tìm đến trung tâm kiếm tìm sự trợ giúp", chuyên gia Hoàng Thị Thu Nhiên nói.

"Gần 8 năm gây dựng doanh nghiệp nhưng sau những năm COVID-19 thì mọi thứ đều dừng lại, chủ doanh nghiệp đó phải thu hẹp phạm vi kinh doanh, cổ đông lần lượt rời đi… người chủ doanh nghiệp này vừa mất mát về mặt kinh tế lại vừa mất mát về mối quan hệ khiến cho ông ấy cực kỳ mệt mỏi, đau đầu, căng thẳng. Điều này cũng làm cho chất lượng cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng theo", bà Nhiên chia sẻ về trường hợp của ông Vũ khi tìm đến cộng đồng của bà nhờ sự trợ giúp vào đầu năm 2023.

Bà Nhiên chia sẻ thêm, khi tìm đến trung tâm, người chủ doanh nghiệp này đã nói ra câu chuyện của mình, họ mong muốn tìm cách kéo lại mối quan hệ cũ là các cổ đông đã từng cùng nhau "trên bến dưới thuyền" … Sau những câu hỏi liên tục từ chuyên gia trong buổi trị liệu tâm lý 1:1, người chủ doanh nghiệp này đã thoát khỏi những cảm xúc tồi tệ nhất.

"Đến nay, chủ doanh nghiệp này không phải quay lại gặp tôi nữa, ông ấy cũng đã lấy lại được bản lĩnh, sự tự tin của mình trong kinh doanh", bà Nhiên nói.

Sau đại dịch COVID-19, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn rơi vào stress, trầm cảm - Ảnh 1.

Rất nhiều chủ doanh nghiệp tìm đến bà Nhiên nhờ hỗ trợ điều trị tâm lý. Ảnh: Lê Liên.

Đồng quan điểm, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng, Giám đốc điều hành Trung tâm Tâm lý Dr.Psy cũng cho biết, năm vừa qua anh tiếp nhận nhiều người chủ mất việc làm do công ty phá sản, cắt giảm nhân sự... Anh cũng tiếp nhận những người kinh doanh tự do nhưng gặp khó khăn vì dịch COVID và suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, những tình trạng trên được đánh giá chủ yếu không phải là nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn tâm lý, mà đó chỉ là những yếu tố tác động thêm, làm các triệu chứng tăng nặng hơn hoặc khởi phát sớm hơn.

"Đa số mọi người tìm đến chúng tôi với trạng thái khí sắc trầm buồn, căng thẳng, mệt mỏi. Một số người ở trong trạng thái lo âu, chán nản, khí sắc giảm, mất ngủ, rối loạn ăn uống,…", anh Hoàng cho hay.

Những người gặp vấn đề tâm lý cần được can thiệp kịp thời

Theo bà Nhiên, hiện nay, rất nhiều người gặp phải các vấn đề cần được hỗ trợ tâm lý xuất phát bởi stress căng thẳng trong học tập, công việc, áp lực tài chính, kinh tế. Những vấn đề cần được tháo gỡ, hỗ trợ cũng có thể chỉ là vướng mắc giữa bố mẹ và con cái, do bố mẹ chưa tìm được cách truyền đạt ngôn từ hiệu quả với con để tìm được tư tưởng chung. Tuy nhiện, tại Việt Nam, những người này lại không biết tìm tới đâu để được tháo gỡ. Trong nước hiện chưa có bất cứ một tổ chức xã hội nào được định danh cụ thể để hỗ trợ tâm lý cho những người này.

Đáng quan tâm, nếu các vấn đề tâm lý không được tháo gỡ kịp thời thì nhiều nạn nhân bị stress kéo dài và diễn tiến thành bệnh tâm thần, ảnh hưởng trực tiếp tới bản thân nạn nhân cũng như tới xã hội.

Để giải quyết các vấn đề tâm lý, mỗi người phải mất thời gian khác nhau. Bà Nhiên cho biết, có những người cần hỗ trợ chỉ một vài buổi nhưng cũng có những người cần sự hỗ trợ kéo dài tới cả năm với chi phí khác nhau ở mỗi khóa huấn luyện.

Hay theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng, để có thể thoát khỏi tình trạng stress, căng thẳng, mỗi người cần dành thời gian nghỉ ngơi, tập thể dục, chú ý chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần.