Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CK2 Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM).
Sốt phát ban là tình trạng sốt có kèm theo nổi các nốt màu đỏ trên da, thường gặp ở trẻ em, song cũng có thể xảy ra với người lớn. Sốt kèm phát ban toàn thân có thể do nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng, virus, ký sinh trùng, nấm, thuốc, bệnh tự miễn, bệnh ác tính...
Bệnh gây sốt phát ban
Bệnh sởi
Sốt cao xuất hiện trước và kéo dài 3-5 ngày, kèm triệu chứng viêm long đường hô hấp trên (đỏ mắt, sổ mũi, ho), nổi những chấm màu trắng nhỏ ở niêm mạc má hai bên (hạt Koplik). Sau đó, ban của sởi xuất hiện, biểu hiện là những nốt màu đỏ xuất hiện theo thứ tự từ mặt và cổ, sau đó lan dần xuống thân mình và tay chân.
Rubella (còn gọi là bệnh sởi Đức)
Ở trẻ em, bệnh biểu hiện gần giống như sởi nhưng mức độ nhẹ và ít khi gây biến chứng. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai bị nhiễm rubella có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
Tay chân miệng
Bệnh do Enterovirus hoặc Coxsackievirus gây ra. Biểu hiện gồm sốt, nổi các sẩn đỏ hoặc mụn nước chủ yếu ở lòng bàn tay - chân, đôi khi lan rộng tay, chân, mông, quanh miệng hoặc có thể toàn thân, kèm nhiều vết loét trong niêm mạc miệng gây đau rát, khó ăn uống.
Tinh hồng nhiệt
Bệnh do vi khuẩn liên cầu gây ra. Biểu hiện gồm sốt cao, họng đỏ với các chấm xuất huyết dưới niêm mạc họng và khẩu cái, amidan sưng to, lưỡi đỏ, đỏ da vùng mặt và thân mình với các sẩn li ti trên da sờ nhám như cát, đôi khi đỏ da toàn thân.
Thủy đậu
Do virus VZV gây ra. Biểu hiện gồm sốt cao, nổi các nốt màu đỏ trên da, sau đó nhanh chóng phát triển thành các mụn nước, mụn mủ với các độ tuổi khác nhau rải rác toàn thân. Đối với các trường hợp có kèm nổi hạch toàn thân hoặc bệnh sử có tiếp xúc với bệnh nhân bị đậu mùa khỉ trước đó, cần được xét nghiệm để loại trừ bệnh.
Biến chứng của sốt phát ban
Hầu hết trường hợp sốt phát ban do siêu vi thường tự giới hạn, tuy nhiên vẫn có tỷ lệ bệnh nhân bị các biến chứng nặng hoặc thậm chí tử vong. Trong đó, sởi có thể diễn tiến mù mắt, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não... Tay chân miệng có thể dẫn đến viêm cơ tim, suy tim, viêm phổi, viêm não - màng não...
Biến chứng thường gặp của thủy đậu là viêm phổi, viêm gan, viêm thận, viêm não, nhiễm trùng da từ các mụn nước vỡ trên da. Tinh hồng nhiệt dễ dẫn đến viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm cầu thận hậu nhiễm liên cầu trùng, sốt thấp khớp...
Chẩn đoán
Các tình trạng sốt phát ban thường được chẩn đoán dựa vào biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm máu. Phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám khi có các biểu hiện sốt kèm phát ban ngoài da, để có chẩn đoán chính xác về bệnh và tầm soát các biến chứng nguy hiểm nếu có.
Điều trị
Tùy nguyên nhân, bác sĩ sẽ có điều trị phù hợp. Chẳng hạn, bệnh tinh hồng nhiệt điều trị bằng kháng sinh. Hầu hết các tình trạng sốt phát ban do nhiễm virus thường không cần các điều trị đặc hiệu, trừ trường hợp có biến chứng.
Các chăm sóc tại nhà phụ huynh có thể thực hiện
Hạ sốt
- Bằng thuốc hạ sốt như paracetamol hoặc ibuprofen theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Tắm bằng nước ấm nhẹ để hạ sốt, tránh tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh.
- Tránh sử dụng aspirin để hạ sốt vì có thể gây hội chứng Reye, một biến chứng nguy hiểm.
Giữ trẻ thoải mái
- Mặc quần áo mỏng và thoáng mát, giúp trẻ mát mẻ và cảm thấy thoải mái.
- Giữ phòng ở thông thoáng và mát mẻ.
Đảm bảo trẻ uống đủ nước
- Trẻ bị sốt dễ mất nước do ra mồ hôi, cần bổ sung nước cho trẻ nhiều hơn. Có thể uống nước lọc, nước trái cây, nước canh...
- Tránh uống nước có ga hoặc nước quá ngọt vì có thể làm tình trạng mất nước tệ hơn.
Theo dõi triệu chứng phát ban
- Kiểm tra da thường xuyên, theo dõi các nốt phát ban trên da trẻ. Nếu trẻ bị ngứa có thể bôi các loại kem làm dịu da hoặc xin ý kiến bác sĩ về các loại thuốc uống/bôi giảm ngứa.
- Tránh cào gãi, cắt móng tay cho trẻ để tránh gây trầy xước và nhiễm trùng da.
Chế độ ăn uống
- Cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu, cung cấp thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, súp nếu trẻ mệt mỏi và không muốn ăn nhiều.
- Không ép trẻ ăn, để trẻ ăn theo nhu cầu, nhưng đảm bảo trẻ uống đủ nước.
Nghỉ ngơi
Khuyến khích nghỉ ngơi nhiều để tăng cường hệ miễn dịch. Hạn chế cho trẻ hoạt động nhiều hoặc ra ngoài tiếp xúc với người khác trong giai đoạn sốt.
Theo dõi triệu chứng nguy hiểm
Tái khám ngay nếu:
- Sốt kéo dài trên 3-5 ngày hoặc cao trên 39°C.
- Trẻ mệt lả, khó chịu, không uống nước hoặc không đi tiểu.
- Trẻ có dấu hiệu khó thở, co giật hoặc da tím tái.
- Các dấu hiệu khác tùy theo bệnh đã được bác sĩ hướng dẫn trước đó.
Giữ vệ sinh
Rửa tay thường xuyên, đặc biệt trước và sau khi chăm sóc trẻ để tránh lây nhiễm cho người khác.
Tránh tiếp xúc với người khác. Cách ly trẻ để tránh lây bệnh cho trẻ khác nếu bệnh có tính chất lây lan, như sởi hoặc rubella.
Phòng ngừa sốt phát ban
Tiêm phòng đầy đủ là cách phòng ngừa hiệu quả nhất đối với các loại bệnh sốt phát ban gây ra bởi virus như sởi, rubella, thủy đậu. Đảm bảo trẻ được tiêm chủng theo đúng lịch trình tiêm chủng quốc gia.
Giữ vệ sinh cá nhân tốt. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với người bệnh. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy để tránh lây lan vi khuẩn và virus. Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng, nơi dễ xâm nhập của virus.
Giữ môi trường sống sạch sẽ. Thường xuyên làm sạch đồ chơi, đồ dùng cá nhân và bề mặt mà trẻ tiếp xúc. Đảm bảo nhà cửa, phòng ở được thông thoáng, có đủ ánh sáng và sạch sẽ.
Cách ly khi cần thiết, tránh tiếp xúc với người bệnh. Nếu trong nhà hoặc trường học có trẻ mắc bệnh sốt phát ban, nên cách ly trẻ bị bệnh để tránh lây nhiễm cho trẻ khác. Trẻ bị mắc sốt phát ban, cần trẻ ở nhà cho đến khi hồi phục hoàn toàn và không còn khả năng lây nhiễm.
Tăng cường sức đề kháng bằng chế độ ăn uống lành mạnh, cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ bằng các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất. Khuyến khích trẻ vận động, bởi hoạt động thể chất thường xuyên giúp trẻ có sức khỏe tốt và khả năng chống lại bệnh tật. Đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc để phục hồi năng lượng và củng cố hệ miễn dịch.
Trong mùa bệnh truyền nhiễm hoặc khi có dịch sốt phát ban, hạn chế cho trẻ đến những nơi đông người như khu vui chơi, trường học nếu không cần thiết.
Nếu thấy trẻ có triệu chứng sốt, phát ban, ho, sổ mũi, hoặc các dấu hiệu bất thường khác, đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Dạy trẻ từ nhỏ cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay đúng cách, và không dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn, cốc, muỗng với người khác.
Lê Phương