Tạo ra "cấu trúc giống phôi người" mà không cần trứng hay tinh trùng

Một nhóm các nhà khoa học ở Mỹ và Anh cho biết, họ đã tạo ra "cấu trúc giống như phôi người" tổng hợp đầu tiên trên thế giới từ tế bào gốc mà không cần phải có trứng và tinh trùng.

Những cấu trúc giống như phôi thai này đang ở giai đoạn phát triển sớm nhất của con người: giai đoạn phôi, nghĩa là không có tim hay não.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết một ngày nào đó sẽ có những bước tiến mới trong nghiên cứu và nâng cao hiểu biết về các bệnh di truyền hoặc nguyên nhân sẩy thai, theo CNN.

Công trình nghiên cứu này vừa được nhóm các nhà khoa học Mỹ và Anh báo cáo trước cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu tế bào gốc quốc tế ở Boston (Mỹ). Ngay sau đó, nghiên cứu này thu hút sự quan tâm rất lớn của truyền thông và được nhiều hãng tin cùng tạp chí khoa học dẫn lại.

Tạo ra cấu trúc giống phôi người mà không cần trứng hay tinh trùng - Ảnh 1.

Trong nghiên cứu mới này, các tế bào gốc phôi người đơn lẻ được kích thích để phát triển thành ba lớp mô riêng biệt. Chúng bao gồm các tế bào phát triển thành túi noãn hoàng, nhau thai và phôi thai. Cấu trúc có các tế bào mầm này sẽ tiếp tục phát triển thành trứng và tinh trùng.

Đây chính là cấu trúc giống như phôi người tổng hợp đầu tiên trên thế giới từ tế bào gốc.

Mặc dù được coi là một bước tiến đột phá, nhưng thành công của nghiên cứu này đã khiến các chuyên gia đạo đức sinh học cảnh báo và đặt ra những câu hỏi quan trọng về pháp lý, đạo đức khi khoa học tiến đến quá gần với "ranh giới của sự sống". Nhất là nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, không có luật nào rõ ràng liên quan đến điều chỉnh việc tạo hoặc xử lý phôi nhân tạo.

Không giống như phôi người tạo từ quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), nơi đã có khung pháp lý được thiết lập, hiện tại, không có quy định rõ ràng nào quản lý các mô hình phôi người có nguồn gốc từ tế bào gốc.

Theo các nhà khoa học thì hiện các quốc gia rất cần có một quy định, hoặc một khuôn khổ nào đó cho việc tạo ra và sử dụng các mô hình phôi người có nguồn gốc từ tế bào gốc.

GS Zernicka-Goetz nói rằng, mục đích nghiên cứu không phải là tạo ra sự sống mà là ngăn chặn sự mất mát của nó, tìm hiểu lý do tại sao phôi đôi khi không phát triển sau khi thụ tinh và cấy ghép.

"Cấu trúc này không phải là phôi người. Chúng là những mô hình phôi thai, nhưng trông rất giống với phôi người và là con đường rất quan trọng để khám phá ra lý do tại sao rất nhiều trường hợp mang thai không thành công, vì phần lớn các trường hợp mang thai thất bại trong khoảng thời gian phát triển đầu", GS Zernicka-Goetz nhấn mạnh.

Các nhà nghiên cứu hy vọng những phôi mô hình này sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về sự phát triển của con người ở khoảng thời gian sau 14 ngày sau khi thụ tinh, đây là giới hạn đã được thống nhất để các nhà khoa học phát triển và nghiên cứu phôi trong phòng thí nghiệm./.