Trong Tây du ký, Trư Bát Giới là một nhân vật được nhiều yêu thích, nhờ mang đến cho người đọc những tiếng cười sảng khoái vì sự đáng yêu, ngây ngô hiền lành, chất phác, nghĩ gì nói nấy. Tuy nhiên, nhân vật này cũng bị một số độc giả cho rằng y không chỉ xấu người còn xấu cả nết, bởi Trư Bát Giới suốt ngày bàn lùi trên đường đi lấy kinh.
Cụ thể, mỗi khi Đường Tăng bị bắt đi, Tôn Ngộ Không và Sa Tăng nóng lòng tìm mọi cách đi cứu sư phụ thì Trư Bát Giới luôn đề xuất chia hành lý để về Cao Lão Trang. Nhiều người cho rằng Trư Bát Giới không bị ràng buộc với nhiệm vụ thỉnh kinh như Tôn Ngộ Không và Sa Tăng. Bát Giới lại có một người vợ ở Cao Lão Trang nên cứ có chuyện xảy ra với sư phụ là y muốn giải tán đoàn quay về. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau câu nói đó còn chứa đựng ẩn ý thâm sâu.
Câu nói này của Trư Bát Giới như một lời nhắc cho thấy nhiệm vụ chính của họ không phải là đi thỉnh kinh mà là bảo vệ Đường Tăng. Nếu không giữ được sự an toàn cho Đường Tăng, mọi công việc đi lấy kinh cũng trở nên vô nghĩa.
Có thể thấy, ở trên quãng đường đi thỉnh kinh, mỗi đồ đệ của Đường Tăng đều được phân công nhiệm vụ rõ ràng, nhưng đó chỉ là nhiệm vụ riêng, còn nhiệm vụ chính là bảo vệ sự phụ. Và khi các đồ đệ quá sa đà vào nhiệm vụ riêng thì nhiệm vụ chung sẽ bị sao nhãng và dẫn đến hậu quả khó lường.
Qủa vậy mà trong những lần Đường Tăng bị bắt thì đa phần là do Tôn Ngộ Không đi kiếm thức ăn lâu về, dù cho Đại Thánh có Cân Đẩu Vân đi mây về gió trong nháy mắt, còn Trư Bát Giới và Sa Tăng thì người trông hành lý, người cho ngựa ăn mà quên đi bảo vệ sự phụ.
Câu nói "chia hành lý" của Trư Bát Giới tuy khó nghe nhưng lại chứa đựng nhiều bài học sâu sắc về tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết và sự linh hoạt.
Mỗi người cần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhưng đồng thời cũng phải quan tâm đến mục tiêu chung. Nếu mục tiêu chung của tập thể không hoàn thành thì dù nhiêm vụ riêng có làm tốt cũng không có ý nghĩa gì nữa.
* Bài viết này là góc nhìn của tác giả về nhân vật Trư Bát Giới. Bạn có thể có những suy nghĩ và ý kiến khác nhau.
Quốc Tiệp