Tây du ký: Không phải Diêm vương đây mới là người tố giác Ngộ Không đại náo âm phủ

Sau khi Tôn Ngộ Không làm loạn âm phủ, Địa Tạng vương Bồ Tát đã dâng sớ xin Ngọc Hoàng Đại Đế sai thiên binh xuống bắt Ngộ Không trị tội.

Văn hoá - Tây du ký: Không phải Diêm vương đây mới là người tố giác Ngộ Không đại náo âm phủ

Trong diễn biến truyện Tây du ký, Tôn Ngộ Không sau khi xuống Đông Hải Long cung, lấy Định Hải Thần Châm (gậy Như Ý) và áo giáp quý ở Long cung trở về Hoa Quả sơn, tự xưng Mỹ Hầu vương, thiết lập quy mô với đầy đủ ban bệ chức tước ở lãnh địa của mình.

Từ đó, Ngộ Không thường ngày bay đi đi khắp nơi, cùng chơi thân với sáu vị ma vương khắc. Một đêm trăng thanh gió mát, Ngộ Không bày tiệc thết đãi các ma vương. Ăn uống đến canh khuya, tiệc mới tàn. Sáu ma vương ra về, Ngộ Không men nồng say ngủ. Trong giấc nồng, Hầu vương chiêm bao thấy hai người, một người cầm vòng, một người cầm nắm giấy, có đề ba chữ "Tôn Ngộ Không", và hối hả tròng vòng vào cổ, dắt Tôn Ngộ Không đi. Ðến một nơi cung điện nguy nga, hồn Ngộ Không ngó lên thấy bảng đề ba chữ "U Minh Giới". Ngộ Không thất kinh lẩm bẩm: “Nơi đây là âm phủ sao dắt ta đến đây làm gì?”.

Lúc ấy hai kẻ kia mới nói: “Nhà ngươi tới số phải trở về Diêm chúa, nên hai ta là quỷ vô thường, vâng chỉ đến bắt ngươi đây.

Ngộ Không cũng đã vô cùng tức giận nói: "Lão Tôn này đã vượt ra ngoài ba cõi, không còn ở trong ngũ hành, đâu còn thuộc Diêm Vương quản lý nữa. Cớ sao dám hồ đồ đến bắt ta?".

Hai quỷ vô thường không đáp, dắt Ngộ Không đi mãi. Ngộ Không nổi giận, lấy gậy Như Ý ở lỗ tai ra, đập chết hai quỷ vô thường, rồi xông vào đại phá Địa phủ. Ép Thập Điện Diêm vương và Phán Quan lấy ra Sổ Sinh Tử. Sau đó, Ngộ Không gạch xóa tuổi thọ của bản thân cũng như lũ khỉ ở Hoa Quả sơn, rồi trở về dương thế.

Thập Điện Diêm vương ai nấy đều lo sợ họp nhau qua cung Túy Vân bàn với Địa Tạng vương Bồ Tát. Địa Tạng vương Bồ Tát làm sớ dâng biểu cáo với Thiên đình: “U Minh Giáo chủ Địa Tạng vương kính dâng: Thiết nghĩ, trời có thần, đất có quỷ, âm dương thay đổi, sống thác có mạng, muôn vật đều chịu kiếp luân hồi, không có vật gì trường tồn mãi mãi. Ðó là đạo lý.

Nay tại núi Hoa Quả, động Thủy Liêm, trời sinh khỉ đá thọ khí âm dương ba trăm năm rồi, tên là Ngộ Không, tài phép phi thường, hiên ngang quá lẻ. Vừa rồi Ngộ Không xuống Địa phủ giết quỷ vô thường, mắng vua Thập Điện, lại xóa bôi sổ bộ Viên hầu, làm tuyệt đường sinh tử.

Thần kính dâng sớ này xin Ngọc Hoàng sai thiên binh xuống bắt Ngộ Không trị tội, thì chốn âm phủ mới khỏi mang họa".

Sự việc này đặt ra câu hỏi về quyền lực và sự kiểm soát của Thập Điện Diêm vương trong việc giải quyết vấn đề Ngộ Không làm loạn âm phủ. Thay vì đối mặt trực tiếp với Ngộ Không hay trực tiếp đứng ra tố cáo với Thiên đình, Thập Điện Diêm Vương đã phải dựa vào sự giúp đỡ của Địa Tạng vương Bồ Tát, cho thấy sự lo lắng và không an tâm của Thập Điện Diêm vương trước sức mạnh khó lường của Tôn Ngộ Không.

Quốc Tiệp