Năm 2023 là một năm nhiều khởi sắc của tiểu thuyết Việt Nam. Tôi khẳng định như vậy – một cách đầy chủ quan, dĩ nhiên, và vì thế có lẽ cũng không tránh khỏi sự phiến diện – không căn cứ trên số lượng tác phẩm tiểu thuyết được xuất bản trong năm mà căn cứ trên chính những tiểu thuyết tôi đã đọc, khoảng trên mười cuốn, và ấn tượng chung của tôi về chúng.
Những cuốn làng nhàng nhàn nhạt thì không cần nhắc đến, nhưng những cuốn mang lại cảm giác về sự “đọc được”, “có cái gì đó đáng để phải nói” thật ra không ít: “Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu” của Hồ Anh Thái, “Thương ngàn” của Vĩnh Quyền, “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của Nguyễn Một, “Tuyệt không dấu vết” của Nguyễn Việt Hà, “Cơn mưa bội bạc” của Vũ Thành Sơn, “Cuốn sổ máu” của Phong Điệp v.v...
Riêng về tác phẩm “Tuyệt không dấu vết” của Nguyễn Việt Hà, tôi đã viết trong một tiểu luận có tính cách tổng kết tiểu thuyết của năm: “Cuốn tiểu thuyết này khiến tôi, với tư cách một độc giả, được hưởng thụ cái cảm giác đầy hứng khởi của sự đọc. Có lẽ, trong văn chương Việt Nam đương đại hiếm có tác giả tiểu thuyết nào viết tuyệt đối đùa cợt bông lơn mà lại đẫm đầy chân thành sâu sắc như Nguyễn Việt Hà. Sau bộ tứ tiểu thuyết “Cơ hội của Chúa”, “Khải huyền muộn”, “Ba ngôi của người” và “Thị dân tiểu thuyết”, đến cuốn thứ năm này, “Tuyệt không dấu vết”, có thể nói, tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà đã tọa trên sống núi chênh vênh giữa hai bờ vực: một bên là văn chương tán nhăng văng mạng, một bên là đích thực đỉnh cao của hậu hiện đại. Cái cảm thức về mạt thế, “thời mạt”, là cảm thức xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, thấm suốt trong suy nghĩ của các nhân vật. Nó luôn tạo ra sự đối nghịch khi người ta sống giữa những cái ngày nay ngổn ngang tan tác mà tiếc nhớ những cái ngày xưa tốt đẹp chỉn chu. Ngay đoạn văn mở đầu tác phẩm đã cho thấy điều đó: “Phố nửa như đang Thu, nửa như đang Xuân, nên chắc là mùa Đông. Người đi trên phố nửa quê nửa tỉnh nửa cao bồi, rất hiếm cao thủ. Gió lạnh hoang mang mưa, trời rét như cắt da cắt thịt. Ngày xưa, cũng chưa xưa lắm, người ta lãng mạn gọi là rét ngọt. Ngày nay tàn bạo hơn, gọi là rét hại. Ngày xưa người ta chống rét bằng cách cầm tay nhau, cùng lắm là hôn nhau. Còn bây giờ, nhà nghỉ đã nhiều hơn quán rượu”. Thế giới - ở đây gói gọn trong không gian phố cũ Hà Nội, nếu lấy Hồ Gươm làm tâm thì cái thế giới/ không gian nghệ thuật ấy cũng chỉ trong bán kính một cây số là cùng – hiện lên như một hợp thể của những mảnh ghép rất không đồng chất và vô cùng lộn xộn. Chủng viện và kỹ viện, công đường và tửu quán, quan chức cán bộ và trộm cướp lưu manh, văn nhân nghệ sỹ và côn đồ cùng gái điếm với nạ dòng trắc nết... tất cả bị Nguyễn Việt Hà trộn lẫn, nhiều khi cứ dính bết lấy nhau, tạo thành những chuyển hóa và tha hóa không ngưng nghỉ.
Nhưng chưa hết. Cái thế giới “thời mạt” ấy thật ra được nhà văn phóng lên bằng cách tạo dựng một kiểu truyện kể, như chính ông giới thiệu với độc giả ngay từ trang đầu tiên của cuốn sách: “tiểu thuyết trinh thám – kiếm hiệp”. Kiếm hiệp thì thấy rõ: nó là sự nhại, sự sử dụng lại theo cách rất hài hước văn phong và câu chữ trong các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung và Cổ Long. Còn trinh thám, thì kỳ thực là giả trinh thám, khi mà những nhân vật chính của tiểu thuyết, từ chàng thám tử đến hai nữ thân chủ số 7 và số 9 – người nọ có chồng là người tình trong mộng của người kia, và gã đàn ông được gọi là “Hà thành lãng tử” ấy đã đột nhiên mất tích – đều là những kẻ mắc bệnh tâm thần phân liệt: họ tự tưởng tượng và tự viết câu chuyện của mình, phóng chiếu những mơ mộng và hoang tưởng của mình thành những văn bản, cái nọ chồng lên hoặc lồng vào cái kia, tạo ra một liên kết văn bản cực kỳ rối rắm, rất khó phân biệt đâu là chân đâu là ngụy, đâu là thực đâu là huyễn. Theo cách thức như thế, tiểu thuyết “Tuyệt không dấu vết” của Nguyễn Việt Hà quả thực là một “ca” khó trôi đối với những độc giả chỉ yêu thích sự rõ ràng”.
“Tuyệt không dấu vết” của Nguyễn Việt Hà là một mê cung tiểu thuyết, tôi có thể khẳng định như vậy về cái cách nhà văn “chơi” với cấu trúc của tác phẩm này. Mỗi một nhân vật xuất hiện ở đây đều có một lịch sử cá nhân rất quanh co bí ẩn. Về lịch đại, những lịch sử cá nhân quanh co bí ẩn ấy cho phép tác giả mở rộng không gian nghệ thuật của tiểu thuyết về những năm đầu thế kỷ XX, thời Hà Nội là thủ đô của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp, cái thời mà, kỳ lạ thay, chính là sự giao thoa văn hóa Pháp – Nam, và phần nào đấy cả Trung Hoa nữa, đã làm nên một vài yếu tố tính cách mà sau này được chúng ta coi như bản sắc của những “thị dân cũ”, “dân phố cũ” Hà Nội.
Sáng tạo nhân vật chàng thám tử chuyên điều tra những ông chồng bà vợ mất tích ở thời nay, Nguyễn Việt Hà không chỉ tái phát hiện một tác giả văn chương trinh thám rất đặc sắc của Hà Nội thời thuộc địa – Nhà văn Phạm Cao Củng – mà còn có điều kiện lập “hồ sơ bệnh án” cho đủ loại quan hệ và những sang chấn tâm thần của đàn ông và phụ nữ; của chồng, vợ và các kiểu nhân tình, từ đó ông cho thấy đời sống tâm lý bấn loạn của mỗi cá nhân, mà giữa các cá nhân thì dường như... chẳng ai có thể tin ai được nữa.
Nói về Nguyễn Việt Hà, tôi không cho rằng đây là một nhà văn viết theo kiểu “phản ánh”. Mà, tôi có thể nói ngay, Nguyễn Việt Hà là một người viết theo kiểu “kiến tạo”. Với “Tuyệt không dấu vết”, ông dựng lên cả một thế giới nghệ thuật của mình, trước hết cho mình.
Trong thế giới nghệ thuật ấy, có thể có những phần cấu trúc hoặc những yếu tố thuộc về đời sống hiện thực mà nhiều tác giả khác sẽ đơn giản là phản ánh/ sao chép/ chụp lại/ bê vào, nhưng với Nguyễn Việt Hà, ông nhào nặn chúng một cách... quái gở, thường thấy nhất là nhào nặn chúng trong những cơn mê, những cơn sốt, những khoảng thời gian mà các triệu chứng tâm phần phân liệt của nhân vật ở vào cao điểm. Tôi lấy một ví dụ: nhân vật được gọi là “Hà thành lãng tử”. Đây là nhân vật xuất hiện trong những ghi chép, những hồi ức rất lãng mạn của người phụ nữ yêu thầm anh ta (cô này cũng là một con bệnh tâm thần).
Nhân vật này xuất hiện trong cả những tưởng tượng được phóng chiếu của chàng thám tử muốn nối nghiệp Phạm Cao Củng. Nên dĩ nhiên “Hà thành lãng tử” cứ như thể hình ảnh một cái đẹp mong manh và đoản thọ. Anh ta biết chơi dương cầm, biết sử kiếm Nhật như một đại cao thủ, anh ta mở võ đường truyền nghệ miễn phí, anh có rất nhiều sách và hay đọc cả kinh Thánh lẫn kinh Phật, ăn phở thì ung dung lịch sự đến mức chẳng chê vào đâu được. Nhưng rốt cuộc thì anh ta có hay không, hay chỉ là một ảo ảnh tuyệt vọng cho sự mặc định về cái “hào hoa, thanh lịch” của “thị dân cũ” Hà Nội mà người đời vẫn lưu truyền?
Tiểu thuyết “Tuyệt không dấu vết” của Nguyễn Việt Hà, tóm lại, là một cuốn tiểu thuyết lạ. Độc giả có thể say sưa với những triền miên hư cấu không đầu không cuối cùng tác giả. Nhưng nếu cứ định tìm cho mình một cái gì đó ở đây, như là “bài học rút ra”, như là “thông điệp cần nhận thức và chia sẻ” v.v... Thì không có đâu. “Tuyệt không dấu vết” là cuốn tiểu thuyết khước từ những sứ mạng to tát ấy. Nó là một sự chơi của viết.