Uống rượu nôn ra máu có thể do rất nhiều nguyên nhân. Bất kể nguyên nhân gây nôn ra máu là gì, điều quan trọng là bạn cần chăm sóc cơ thể và theo dõi chặt chẽ các triệu chứng.
Triệu chứng ban đầu là bạn cảm thấy nóng rát ở cổ họng, ngực hay dạ dày hoặc co thắt, đau quặn bụng từng cơn rồi nôn ói và đau thượng vị. Nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện những triệu chứng như mệt mỏi, đau nhiều hơn ở ngực, bụng, nôn ra máu nhiều hơn và cũng có thể ngất đi…
1. Uống rượu nôn ra máu là bệnh gì?
Trong một số trường hợp, những vệt máu xuất hiện trong chất nôn có thể là dấu hiệu kích thích ở cổ họng. Bản thân của rượu có thể làm khô cổ họng khi bạn uống. Và đồng nghĩa với điều đó cổ họng của bạn sẽ dễ bị kích ứng dẫn đến nôn mửa. Từ đó, có thể dẫn đến cổ họng bị đau dữ dội và dễ chảy máu.
Đây là hiện tượng bình thường mà bạn không cần quá lo lắng, tuy nhiên trường hợp bạn nôn ra lượng máu lớn hơn hoặc gặp thêm các triệu chứng đáng lo ngại khác thì có thể bạn mắc một trong những căn bệnh sau:
1.1. Viêm loét dạ dày tá tràng
Viêm loét dạ dày tá tràng là vết loét hở ở dạ dày, ruột non hay thực quản (ống dẫn thức ăn) xảy ra khi đường tiêu hóa mất đi một phần lớp lót bảo vệ ở một khu vực. Loét dạ dày có thể gây đau và chảy máu.
Một lần uống rượu có thể không gây ra loét dạ dày, nhưng uống rượu thường xuyên sẽ khiến dạ dày bị viêm, gây tổn thương dạ dày và có thể bị loét kèm theo nhiều bệnh khác. Tệ hơn, bạn có thể vừa nôn ra máu cũng như đi vệ sinh ra máu. Nghiêm trọng hơn, nếu vết loét ăn sâu vào mạch máu, bạn có thể nôn ra lượng máu nhiều hơn và ồ ạt.
Một người bị loét dạ dày thường gặp nhiều triệu chứng khác nhau bên cạnh việc chảy máu như:
- Cảm thấy ợ nóng, buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu
- Đau dạ dày trở nên tồi tệ hơn khi bụng đói
- Đau rát ở bụng
Uống rượu nôn ra máu có thể là biểu hiện của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng (Ảnh: Internet)
1.2. Viêm dạ dày và bệnh dạ dày
Viêm dạ dày là viêm niêm mạc dạ dày. Bệnh dạ dày xảy ra khi có tổn thương nhưng không viêm. Uống rượu nhiều có thể gây ra bệnh dạ dày vì rượu gây kích ứng và làm hỏng niêm mạc dạ dày, lâu dần dẫn đến tình trạng mãn tính. Đi kèm với việc nôn ra máu, viêm dạ dày còn gây ra một số triệu chứng khác bao gồm:
- Chướng bụng
- Buồn nôn
- Cảm thấy no nhanh hơn hoặc quá no sau bữa ăn trung bình
- Đau bụng nóng rát
- Chán ăn
- Đau quặn thắt bụng
1.3. Chảy máu đường tiêu hóa
Nôn ra nhiều máu có thể là dấu hiệu của chảy máu đường tiêu hóa nghiêm trọng. Đi kèm với nôn ra máu còn một số triệu chứng liên quan khác của chảy máu trong bao gồm:
- Ngất xỉu
- Chóng mặt
- Mờ mắt
- Da nhợt nhạt
- Thở nhanh
Nếu gặp tình trạng nôn ra nhiều máu tươi bạn nên đi khám ngay vì có thể là dấu hiệu của chảy máu trong.
1.4. Giãn tĩnh mạch thực quản
Giãn tĩnh mạch thực quản là một tình trạng nguy hiểm tiềm ẩn trong đó các tĩnh mạch bị sưng lên trong thực quản. Người nghiện rượu nặng dễ bị tổn thương thực quản hơn người bình thường. Những tĩnh mạch bị sưng này cũng có thể dẫn đến chảy máu không kiểm soát được.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người không biết rằng họ bị giãn tĩnh mạch thực quản cho đến khi các tĩnh mạch này bắt đầu chảy máu. Hơn nữa, chảy máu nghiêm trọng và đột ngột có thể khiến người bệnh nôn ra một lượng máu lớn. Một số triệu chứng chảy máu hoặc giãn tĩnh mạch bao gồm:
- Ngất xỉu
- Phân đen hoặc có máu
- Mệt mỏi
- Nôn ra một lượng lớn máu
- Chất nôn giống như bã cà phê
1.5. Bệnh gan liên quan đến rượu
Sử dụng rượu bia thường xuyên sẽ làm gia tăng các bệnh lý về gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu, xơ gan. Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Gastroenterology của Mỹ, 10-25% những người nghiện rượu nặng thường xuyên mắc bệnh gan liên quan đến rượu.
Sử dụng rượu bia thường xuyên sẽ làm gia tăng các bệnh lý về gan (Ảnh: Internet)
Những người mắc bệnh gan liên quan đến rượu gặp phải các biến chứng và triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như:
- Nôn ra máu
- Chán ăn
- Buồn nôn
- Khát nước
- Vàng da
- Phân đen, hoặc có máu,
- Tổn thương gan và viêm
2. Phòng ngừa tình trạng uống rượu nôn ra máu
Để tránh tình trạng nôn ra máu sau uống rượu thì việc kiêng rượu sẽ là một biện pháp phòng ngừa hiệu quả đối với nhiều người.
Nôn ra máu có nghĩa là cơ thể bạn đã bị tổn thương. Trong những trường hợp như vậy, bạn cần liên hệ với bác sĩ để tìm nguyên nhân và tìm giải pháp thích hợp.
Mặt khác, khi uống rượu, các bạn nên lưu ý một số vấn đề sau để phòng tránh tình trạng bị nôn hoặc nôn ra máu:
- Không sử dụng rượu làm thức uống duy nhất, thay vào đó hãy giữ đủ nước và sử dụng cả đồ uống khác.
- Sử dụng thức ăn nhạt và không dùng thức ăn cay để tránh kích ứng thêm khi đã nôn ra máu.
- Ăn trước khi uống, nhấp từng ngụm nhỏ và uống từ từ để làm chậm quá trình hấp thụ rượu vào máu và bảo vệ dạ dày của bạn.
- Nghỉ ngơi đầy đủ. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Ngoài ra, tránh uống rượu vào ngày cơ thể bạn nôn nao, mệt mỏi.
Để đảm bảo sức khoẻ và phòng tránh tình trạng uống rượu nôn ra máu, kiêng rượu là biện pháp được khuyến khích (Ảnh: Internet)
3. Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Nôn ra máu sau khi uống rượu có thể không phải là vấn đề đáng lo ngại. Nhưng nếu chảy máu xảy ra thường xuyên trong khi nôn sau khi uống rượu, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn. Bác sĩ sẽ kiểm tra từ đường tiêu hóa đến gan và túi mật của bạn. Việc điều trị tùy thuộc vào tình trạng cơ bản hoặc các nguyên nhân khác gây nôn ra máu.
Bất kể tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào, việc cắt giảm rượu là điều được khuyến khích. Sử dụng rượu quá mức cũng có thể gây ra các tình trạng và vấn đề liên quan đến bệnh tim, bệnh gan, các vấn đề về tuyến tụy, một số loại ung thư và tổn thương não mãn tính hoặc vĩnh viễn.
Trên đây là những giải đáp về tình trạng "Nôn ra máu sau khi uống rượu là bệnh gì?". Có thể nói, nôn ra máu có thể là triệu chứng của việc cổ họng bị kích ứng nhưng đây cũng có thể là tình trạng sức khoẻ nghiêm trọng. Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh, mọi người nên đến bệnh viện kiểm tra và kiêng rượu là điều cần thiết.
Nguồn: Healthline.com