'Vá' lỗ hổng kiến thức tình dục an toàn ở trẻ

Bên cạnh nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục, 'lỗ hổng' kiến thức tình dục an toàn ở trẻ còn dẫn đến tình trạng mang thai ngoài ý muốn.

Theo các chuyên gia, gia đình và nhà trường đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp trẻ có kiến thức về quan hệ tình dục an toàn.

45% ca phá thai không an toàn

Kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020 - 2021 được công bố cuối năm 2022 cho thấy: Tỷ lệ phá thai chung được ước tính là 4,7 ca trên 1.000 phụ nữ.

Mang thai ngoài ý muốn chiếm hơn một nửa số ca phá thai gần đây nhất (53,6%). 8,9% ca phá thai liên quan đến việc thất bại khi sử dụng biện pháp tránh thai. Lý do phá thai do lựa chọn giới tính thai nhi chiếm tỷ lệ 1,6%.

Tỷ lệ nữ giới từ 15 - 24 tuổi từng quan hệ tình dục trước tuổi 15 là 0,9% và nam giới là 0,2%. Tỷ lệ nữ trong độ tuổi 20 - 24 tuổi kết hôn trước 18 tuổi còn cao (14,6%). Việc kết hôn sớm dẫn đến khả năng mang thai sớm và sinh con sớm, ảnh hưởng đến cơ hội phát triển của chính vị thành niên/thanh niên.

Theo Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), mỗi năm, gần một nửa số trường hợp mang thai trên thế giới, tương đương 121 triệu ca, là mang thai ngoài ý muốn. Hơn 60% số trường hợp mang thai ngoài ý muốn dẫn đến việc phá thai. Ước tính khoảng 45% số ca phá thai là không an toàn.

Theo một nghiên cứu do TS Trần Thành Nam (ĐH Quốc gia Hà Nội) và các cộng sự tiến hành, trong thời gian học kỳ II, năm 2016 - 2017, đến hết lớp 12, có 39% học sinh được hỏi cho biết mình đã quan hệ tình dục. Trong đó, 10% nói từng quan hệ tình dục với 3 người trở lên.

Đặc biệt, có 29,5% học sinh nam không sử dụng bao cao su trong lần quan hệ gần nhất. 8% học sinh nữ cho biết có sử dụng ít nhất một cách phòng tránh thai, bao gồm nhiều hình thức không khoa học như: Uống nước chanh, quan hệ đứng và vệ sinh vùng kín bằng chanh sau khi quan hệ. Khoảng 15% có sử dụng các chất kích thích (gồm cả rượu, các dạng ma túy) trong lần quan hệ gần nhất.

Trong 6 trường được nhóm nghiên cứu, có 3 trường trong khu vực nội thành, 3 trường khu vực ngoại thành Hà Nội. Đặc điểm khảo sát của các trường là ở những khu vực có mức kinh tế, đời sống cao, học sinh có điều kiện tiếp cận và truy cập mạng qua các thiết bị gia đình từ tivi thông minh, máy tính... Trình độ học vấn của phụ huynh từ THPT đến sau đại học; cơ cấu nghề nghiệp chủ yếu là công nhân, viên chức và kinh doanh tự do.

Chú trọng thông điệp tới nhóm chưa lập gia đình

ThS.BS Trịnh Văn Du - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện Hà Nội chia sẻ, việc gia tăng tỷ lệ mang thai tuổi vị thành niên là do những lý do khách quan và chủ quan của cuộc sống hiện đại. Hiện nay, tỷ lệ quan hệ tình dục sớm ngày càng nhiều.

Các cô gái trẻ nhận được thông tin về quan hệ tình dục chủ yếu từ mạng xã hội và phim ảnh. Thông tin trẻ nhận được từ gia đình, nhà trường là rất ít và kém hiệu quả. Điều này khiến trẻ vị thành niên có thể có quan hệ tình dục trong khi chưa được giáo dục về quan hệ tình dục an toàn và các biện pháp tránh thai.

Trong khi đó, các thông điệp tránh thai đang tập trung vào những cặp vợ chồng mà chưa tập trung cho nhóm chưa lập gia đình. Điều này dẫn đến sự miễn cưỡng hoặc khó khăn khi tiếp cận thông tin về tình dục an toàn và các phương pháp tránh thai. Những thiếu sót này dẫn đến sự miễn cưỡng hoặc khó khăn khi tiếp cận thông tin về tình dục an toàn và các phương pháp tránh thai cho trẻ nữ vị thành niên.

Theo bác sĩ Du, có nhiều lý do dẫn đến việc xin phá thai ở trẻ vị thành niên, bao gồm: Gia đình ép buộc, bạn tình ép buộc, còn đi học, chưa có điều kiện nuôi con, không biết về biện pháp tránh thai, không biết tuổi có thai phù hợp… Những phụ nữ trẻ tuổi đang đi học hoặc trong cơ hội thăng tiến công việc thường có xu hướng phá thai cao hơn.

“Theo một số nghiên cứu, 50% số sinh viên nữ đồng ý rằng lỡ có thai là sẽ phá. Nhiều trường hợp có lý do phá thai oái oăm hơn - bạn tình biết có thai và không đồng ý tiến tới hôn nhân nên đi phá thai”, bác sĩ Du dẫn chứng.

Chuyên gia này cho biết, việc nạo phá thai ở tuổi vị thành niên có thể dẫn đến rất nhiều hậu quả về sức khỏe, tâm lý và xã hội. Đặc biệt, nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn nhưng đến khi thai to mới quyết định phá.

Khi đó, các tai biến càng trầm trọng hơn, đặc biệt là vô sinh sau này. Theo thống kê, 70% phá thai ở tuổi vị thành niên là thai trên 12 tuần.

Trong khi đó, bác sĩ Phan Chí Thành - Chánh Văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương dẫn chứng, khoảng 50% bạn trẻ ở Việt Nam hiện nay quan hệ tình dục lần đầu không đeo bao cao su.

Bên cạnh nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục, “lỗ hổng” kiến thức tình dục an toàn ở các bạn trẻ còn dẫn đến tình trạng mang thai ngoài ý muốn. Theo bác sĩ Thành, để “vá” lỗ hổng kiến thức tình dục an toàn ở giới trẻ, gia đình và nhà trường đóng một vai trò đặc biệt quan trọng.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh nhận định, nhà trường và gia đình cần có cái nhìn nghiêm túc hơn về việc giáo dục giới tính.

Nên đưa các bài giảng giáo dục giới tính, về cơ quan sinh dục nam - nữ và tâm sinh lý ở tuổi dậy thì vào chương trình chính khóa, không phải ngoại khóa như trước đây.

Các bài học giáo dục giới tính, cơ quan sinh dục nam và nữ, tâm sinh lý ở tuổi dậy thì cần được dạy đầy đủ. Nhà trường nên có những bài giảng liên quan đến quá trình thụ thai, cách ngăn ngừa thụ thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.