Bệnh nhân bị dị ứng son môi - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bé N.T.B.N. (15 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) được mẹ đưa đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám trong tình trạng môi khô, sưng, ngứa, mưng mủ, đóng mài, rỉ máu.
N. kể trước đó em xem quảng cáo son trên Facebook. Theo quảng cáo, loại son này có phần tự nhiên, không chì, không hóa chất, an toàn cho môi mà giá chỉ 5.000 đồng/hộp son dưỡng và 17.000 đồng/cây son kem lì.
N. đã đặt mua 2 loại son trên. Sau khi thoa, N. thấy môi bị khô, ngứa, sưng kèm nổi mụn mủ…, ăn uống, giao tiếp rất khó khăn.
ThS.BS Phan Ngọc Huy, khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết N. bị viêm da tiếp xúc dị ứng bội nhiễm và được chỉ định điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm và thuốc bôi.
Theo BS Huy, dị ứng son môi là tình trạng xảy ra do cơ thể phản ứng quá mức với các thành phần của son môi. Thông thường sau khi sử dụng son vài phút hoặc vài giờ, vùng da có thoa son sẽ bị viêm đỏ, ngứa ngáy… Nếu tình trạng dị ứng nặng hơn sẽ nổi mụn nước, mưng mủ, đóng mài…
Có nhiều nguyên nhân gây dị ứng son môi như sử dụng son môi kém chất lượng, nguồn gốc không rõ ràng - các loại son này thường chứa hàm lượng chì, phẩm màu hóa học vượt mức cho phép nên khi sử dụng sẽ gây kích ứng; thoa son quá hạn sử dụng...
Ngoài ra, do da ở vùng môi khá mỏng nên dễ bị dị ứng với một vài thành phần của son, ngay cả khi đó là loại son thương hiệu, đắt tiền. Các thành phần có thể gây dị ứng trong son môi là chất bảo quản (formaldehyde, quaternium, methylisothiazolione…), màu nhân tạo (màu đỏ eosin), chất làm bong tróc da (salicylic acid, phenol)...
Dùng son sao cho an toàn?
Theo ghi nhận thực tế, hiện nay nhiều học sinh ở lứa tuổi cấp II, cấp III đã bắt đầu sử dụng son môi. Nhiều học sinh thường mua son trên mạng xã hội, son không rõ nguồn gốc.
BS Huy khuyến cáo để tránh bị dị ứng, trước khi mua son, cần kiểm tra kỹ thành phần để xem bản thân có dị ứng với bất kỳ thành phần nào của son không; chọn son có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Trước khi thoa loại son mới, nên kiểm tra bằng cách bôi son vào vùng da ở mặt trong cánh tay để trong 24 giờ xem có dị ứng không. Khi thấy có các dấu hiệu viêm đỏ, sưng, ngứa… thì không nên thoa tiếp.
Tẩy trang môi nhẹ nhàng bằng nước sạch hoặc dầu dừa, dầu ô liu. Tuyệt đối không dùng sản phẩm tẩy trang chứa các thành phần hóa học.
Nếu bị dị ứng nhẹ, có thể dùng khăn ướt đắp lên môi trong 15-20 phút để giảm sưng, ngứa, viêm. Trong trường hợp dị ứng nặng, môi sưng, nổi mụn nước, đóng mài… cần đến ngay các cơ sở có chuyên khoa da liễu uy tín để được bác sĩ thăm khám, điều trị.