Mới đây, một tình huống "dở khóc dở cười" đã xảy ra khiến cộng đồng mạng xôn xao. Một vị khách hàng tinh ý đã phát hiện ra, giá bán một sản phẩm được quảng cáo là "sale sập sàn" trên livestream của một sàn TMĐT thực tế lại đắt hơn so với giá sale đang áp dụng tại shop chính thức của thương hiệu.
Theo bài đăng được chia sẻ, một sản phẩm máy lọc không khí có giá bán trên livestream là 1,8 triệu đồng, mức giá này đã áp dụng voucher. Trong khi đó, giá sale trên shop chính thức của thương hiệu (bên dưới) chỉ có 1,69 triệu đồng, ngoài ra còn tặng kèm quà, "hời" hơn rất nhiều so với mua qua livestream.
Bài đăng này đã dấy lên nhiều nghi ngờ về tính minh bạch và độ tin cậy của các chương trình livestream bán hàng, đặc biệt là những chương trình "sale sập sàn" và có doanh thu hàng chục tỷ, thậm chí lên đến cả trăm tỷ đồng.
Liệu, người dùng xem livestream hàng chục tỷ, trăm tỷ đồng để săn sale có thật sự mua được deal hời?
Câu trả lời thực tế là: Có thể có, hoặc không.
Bởi lẽ, mức giá cuối cùng mà người mua nhận được trên livestream sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức giảm của hãng, voucher mà các KOL/KOC được sàn hỗ trợ trong livestream. Hoặc, hàng giá rẻ là hàng tồn kho, hàng lỗi nhỏ được livestream để thanh lý.
Nếu người mua may mắn gom được cả voucher của hãng lẫn của KOL/KOC trên livestream, mức giá có thể tốt hơn so với giá sale thông thường.
Tuy nhiên, mức “tốt hơn” này thực tế không quá lớn, chỉ khoảng vài chục nghìn hoặc trên dưới trăm nghìn tùy giá trị sản phẩm.
Voucher giảm giá trên livestream, đa phần chỉ loanh quanh từ 8-15%, một số phiên có voucher giảm 50% nhưng giới hạn chỉ giảm tối đa 10.000-30.000đ trên một đơn… Như vậy, nếu so với việc áp thẳng voucher của shop chính thức và sàn TMĐT thì mức giá cuối cùng cũng không chênh lệch là mấy.
Chưa kể, những voucher giá trị lớn thường bị giới hạn về số lượng. Ai “chậm chân” sẽ khó có cơ hội mua được giá rẻ như mong đợi.
Cá biệt, có nhiều shop nâng giá bán trên livestream ngang bằng giá gốc chưa giảm. Nghĩa là, dù người mua có áp mã qua livestream thì mức giá về tay cũng giống hệt như giá mua trực tiếp trên shop. Người dùng phải thật tinh ý khi chốt đơn kẻo tưởng được deal hời mà chẳng hời chút nào.
Và thêm một sự thật nữa, không phải sàn TMĐT nào cũng tung voucher ưu đãi trên phiên live. Người dùng cần phải so sánh và chọn lọc từng sàn TMĐT để tìm ra nơi livestream có voucher, voucher nào giảm giá sâu nhất…
Vẫn nhiều người mua vì FOMO, nhưng doanh thu thực tế có đến hàng chục tỷ, trăm tỷ?
Các deal “hot” trên livestream thường lên với tần suất liên tục và giới hạn về thời gian. Nhiều người thấy deal mới lên, chưa kịp đặt hàng đã thấy thông báo “hết hàng”. Tâm lý FOMO - sợ bị bỏ lỡ thôi thúc nhiều người xem phải đặt ngay tức thì. Chưa kể, tâm lý “đặt xong vẫn hủy được” khiến không ít cư dân mạng sẵn sàng chốt đơn trên livestream mà không cần đắn đo. Không khó hiểu vì sao tổng doanh thu trong phiên livestream lại dễ dàng đạt giá trị ngất ngưởng.
Nhưng thực tế, rõ ràng người mua có thể hủy đơn, hoàn đơn nếu đã qua “cơn FOMO”, hoặc tìm được chỗ bán khác có giá sale rẻ hơn. Doanh thu hàng chục tỷ, trăm tỷ khi về tay người bán có tròn số hay không, suy cho cùng vẫn là một câu hỏi khó có đáp án phù hợp.