Sẽ có người hỏi rằng thực tế Việt nam có cái gọi là “tầng lớp thượng lưu” không? Xin được trả lời: Có và Không.
Có - bởi rõ ràng sự phân tầng của xã hội đã diễn ra nhanh chóng và hình thành nên một lớp người siêu giàu với biệt thự mênh mông, những siêu xe đồ hiệu được mua sắm như người nghèo đi mua rau. Nhưng cũng khẳng định là Không, bởi trong một bộ phận không nhỏ những người giàu có ấy, cái phẩm chất quý tộc rất hiếm hoi, do nguồn gốc tài sản thường là… bất minh.
Chính cái nguồn gốc bất minh của tài sản khiến cho thiết chế gia đình của họ trở nên bất ổn, các thành viên gia đình bị phân ly và phần lớn phải gánh ít nhất một bi kịch như hệ quả tất yếu. “Quý cô thừa kế 2” mô tả quá trình ấy, không phải để “nói xấu” một tầng lớp xã hội, mà chỉ muốn mô tả, phân tích một hiện tượng có thực của xã hội Việt Nam đương đại, như một lời cảnh báo về hệ luỵ của sự giàu có bất minh, của sự hình thành một tầng lớp “tư bản man rợ”.
Như vậy, dù không có chủ đích làm một phim chính luận, những vấn đề xã hội Việt nam đương đại vẫn hiển lộ qua từng tình huống kịch của “Quý cô thừa kế 2”, và xót xa hơn, khi người xem nhận ra cái “bi kịch nhà giàu” ấy nện thẳng vào thế hệ thừa kế của gia đình, những đứa trẻ lớn lên trong nhung lụa đồng thời bị quăng ra xã hội một cách vô thức trong nỗi cô đơn khủng khiếp. Nói “Quý cô thừa kế 2” là phim đàn cho giới trẻ chính là ở khía cạnh này, với số phận của nhân vật Kim.
Kim 18 tuổi. Kim sinh ra đã “ngậm thìa vàng”. Kim cảm nhận rõ những bất ổn trong quan hệ giữa bố và mẹ, nhưng Kim chủ động thờ ơ trước sự đàn áp thô bạo của bố - một doanh nhân “có vẻ” rất thành đạt dành cho mẹ - một nữ ca sĩ từng nổi danh một thời.
Kim chống đối lại cả sự bạo tàn của bố lẫn sự nhu nhược của mẹ bằng cách… ăn chơi, và đem tiền bao bọc một lũ bạn luôn bám lấy cô như một thứ tầm gửi, hối hả hưởng thụ và sẵn sàng lật mặt.
Một câu hỏi được đặt ra là: Khi xã hội đã phân tầng theo một cách kỳ quái, với những thước đo dựa trên sự giàu có vật chất, liệu có thể tồn tại không cái gọi là tình bạn thuần khiết, sống chết vì nhau giữa người giàu và người nghèo?
Kim tin bạn mình, thậm chí tri ân cô bạn thân vì cô ta làm cho Kim vui, đồng hành cùng Kim trong mọi cuộc chơi thâu đêm, bởi đó là người/ những người có thể làm cô quên đi nỗi cô đơn cùng cực trong cái gia đình đầy bi kịch của mình. Và với những biến cố cô bạn thân nhất đó luôn bên Kim nhưng không hề biết đã bị chính cô bạn ấy bán đứng từ lâu với sự tử tế giả tạo, bởi vì cô ta muốn giành lấy hết những gì mà Kim mặc nhiên được hưởng.
Hãy nhìn ngược về quá khứ của các thế hệ trước, nếu có ai đó muốn chơi xấu bạn mình thì họ phải thiết lập một âm mưu, và thực hiện âm mưu ấy một cách dè dặt, kín đáo và rất có giới hạn, nhất là với tính mạng con người. Phổ biến hơn là những mối quan hệ bạn bè phi lợi ích bền vững hàng vài thập niên, thậm chí còn mãi như một tấm gương thuỷ chung ngay cả khi đã không còn nữa.
Cái quan hệ bạn bè của những người trẻ chỉ từ 18 – 20 tuổi được mô tả trong “Quý cô thừa kế 2” cho ta thấy một hiện thực khác. Một bộ phận người trẻ hôm nay đã chọn cái mục tiêu hưởng thụ trước khi tính toán cho cuộc đời mình một con đường tạo dựng sự nghiệp cá nhân. Kim có tiền hưởng thụ theo cách kẻ có tiền, muốn đi du học cũng chỉ là tâm lý muốn trốn chạy khỏi bi kịch gia đình. Còn những “người bạn” nghèo khó hơn lại tìm cách hưởng thụ theo cách “ăn chạc” của Kim. Và khi cần thì cướp phá gia đình của bạn, huỷ hoại kế sinh nhai của bạn và sẵn sàng thuê xã hội đen trừng phạt bạn mình bất kể sự an toàn tính mạng của cô ấy. Tất cả những việc ấy được thực hiện trong sự đắc ý nhơn nhơn của kẻ thủ ác, khiến ta lạnh người. Cái ác hiển hiện giữa thanh thiên bạch nhật, từ một kẻ rất trẻ là một thực tế không hiếm trong xã hội Việt Nam. Sự vô đạo đức, vô nhân tính khiến cho mọi chuẩn mực của quan hệ giữa người với người bị phá vỡ, bị chà đạp. Cái công thức thường thấy trong các câu chuyện điện ảnh khác là một người giàu về tiền bạc lại được người bạn nghèo cưu mang về tinh thần không hiện diện ở đây, và ta buộc phải rùng mình mà tin rằng khái niệm tình bạn không vụ lợi không còn tồn tại trong một bộ phận giới trẻ hôm nay. Và, việc những đứa con được chiều bỗng bị trái ý là bỏ nhà ra đi, quên phắt điểm tựa từ khi mình được sinh ra không còn quan trọng cũng là điều mà đạo diễn Hoàng Duy đặt ra và có nhiều đáp án.
Một tác phẩm điện ảnh ra đời, dù thuộc dòng phim nào thì vẫn không thể không thể hiện cái cảm thức riêng của tác giả phim trước nhân tình thế thái. Và khán giả sẽ không khỏi ngạc nhiên trước cái nhìn xã hội nhiều u uẩn, nặng trĩu suy tư của một đạo diễn – tác giả phim còn rất trẻ. Cũng may, bên cạnh những người tàn nhẫn như Cao Minh, cô bạn thân thì Mây cũng gặp nhiều người tốt cưu mang mình, như vợ chồng bán phá lấu Lanh Chanh và Nam, chàng trai sống với sách và sự bình yên của khu xóm nghèo để cô hiểu đời còn nhiều ý nghĩa. Hy vọng rằng nỗi lo ngại của tác giả phim “Quý cô thừa kế 2” sẽ chỉ là một phát hiện mang tính cảnh báo đối với giới trẻ của mọi tầng lớp xã hội hôm nay.
NBK Trịnh Thanh Nhã