Bạn có biết có một loại dị ứng mang tên "Dị ứng thời tiết"?
Mỗi đợt thời tiết thay đổi, hãy thử kiểm tra xem liệu bạn có những biểu hiện dưới đây không:
- Nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi.
- Ngứa mũi, đau họng.
- Mắt đỏ, ngứa hoặc chảy nước mắt.
- Mệt mỏi, nhức đầu, đau mặt vùng xung quanh mũi.
- Xuất hiện nhiều đàm ở vùng mũi và cổ họng.
- Thở khò khè, ho và khó thở.
- Nổi mẩn đỏ, sưng phù, xuất hiện nhiều hoặc ít, không đều, màu đỏ hoặc xanh tím, khi ấn vào trung tâm của các vùng mẩn đỏ sẽ chuyển sang màu trắng. Các vùng nổi mẩn đỏ này thường rất ngứa và càng gãi sẽ càng gây ngứa hơn.
Nếu xuất hiện những triệu chứng trên, rất có thể bạn đang bị dị ứng do thời tiết thay đổi đột ngột. Khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều chất hóa học, trong đó có histamin.
Đây là chất có tác dụng bảo vệ, giúp đẩy các tác nhân dị ứng ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, chất này lại làm tăng tiết dịch nhầy ở mũi, mắt và cổ họng và gây ra các biểu hiện như hắt hơi, chảy nước mũi, chảy nước mắt…
Ngoài ra, histamin cũng có thể gây giãn mạch máu, khiến huyết tương bị rò rỉ vào mô kẽ và gây ra các triệu chứng sưng nề, nổi mẩn đỏ hoặc mày đay.
Tại sao lúc giao mùa, những triệu chứng dị ứng lại càng trở nên nghiêm trọng?
Không phải bỗng dưng mà giao mùa lại bị gắn mác "thủ phạm" đứng sau hàng loạt triệu chứng dị ứng.
Sự thay đổi đột ngột về độ ẩm và nhiệt độ (từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại) không chỉ là tác nhân trực tiếp gây dị ứng, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của các dị nguyên khác như nấm mốc hoặc phấn hoa.
Chẳng những thế, trong những năm gần đây, tình trạng Trái đất nóng dần lên do biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính khiến các loài thực vật tăng giải phóng phấn hoa vào trong không khí.
Cộng với đó thời tiết nắng mưa thất thường, mức độ ô nhiễm bầu khí quyển gia tăng mạnh lại càng khiến cho người có cơ địa nhạy cảm dễ bị dị ứng.
Làm gì khi bị dị ứng do thời tiết thay đổi?
Nhìn chung, các biểu hiện dị ứng kể trên không quá nguy hiểm và có thể tự khỏi mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc, bạn cũng cần chú ý theo dõi và đi khám ngay khi có dấu hiệu như:
- Các triệu chứng không thuyên giảm dù đã thực hiện các biện pháp điều trị.
- Tình trạng nổi mày đay lan rộng, tái diễn thường xuyên.
- Các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng, khiến bạn không thể ngủ hoặc thực hiện các hoạt động hằng ngày.
- Bạn có biểu hiện sốt cao hoặc đi kèm với các biểu hiện bất thường như khó thở, thở khò khè, sưng lưỡi, cổ họng, mặt, môi, ngất xỉu…
Bên cạnh đó, để tránh các triệu chứng dị ứng thời tiết gây khó chịu, mệt mỏi, khó tập trung, ảnh hưởng đến giấc ngủ, bạn cũng có thể:
Thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà
Cách tốt nhất để phòng tránh dị ứng thời tiết là hạn chế xúc với các tác nhân gây dị ứng hết mức có thể. Ngoài ra bạn cũng có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý là cách nhanh chóng và hiệu quả để giảm nghẹt mũi, vì phương pháp này sẽ giúp loại bỏ chất nhầy và chất gây dị ứng khỏi mũi.
- Chườm mát ở những vùng da nổi mày đay trong khoảng vài phút để làm dịu da và giảm ngứa.
- Lựa chọn những bộ quần áo thoải mái, rộng rãi, làm từ chất liệu cotton. Tránh những bộ đồ quá chật, làm từ vải len hoặc các loại vải có cảm giác thô ráp khác vì có thể gây kích ứng da và khiến bạn ngứa dữ dội.
- Vệ sinh thân thể thường xuyên bằng các loại xà phòng dịu nhẹ, không hương liệu.
- Hạn chế gãi, vì gãi có thể khiến tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn.
- Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời bằng cách dùng kem chống nắng 30 phút trước khi ra ngoài.
- Ăn đủ chất dinh dưỡng, nhiều trái cây, rau xanh và có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng của cơ thể.
Bạn cũng nên hạn chế tiếp xúc với khói bụi, phấn hoa, thuốc lá hoặc đồ uống có cồn để tránh kích thích các triệu chứng trở nên trầm trọng.
Sử dụng thuốc cắt cơn khó chịu
Lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp để giảm cơn khó chịu mày đay
Trong trường hợp đi chơi xa, không tiện áp dụng các phương pháp chăm sóc tại nhà, bạn có thể sử dụng thuốc kháng histamin để giảm các triệu chứng dị ứng thời tiết như ngứa, hắt hơi, sổ mũi hoặc các dấu hiệu về da như mày đay, sưng, nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy…
Khi dùng thuốc, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn được loại thuốc phù hợp, cũng như biết nên dùng với liều lượng như thế nào.
Trên thị trường hiện nay, các sản phẩm thuốc kháng histamin thế hệ mới có chứa thành phần desloratadine được sử dụng khá phổ biến vì ít tác động lên thần kinh, không gây buồn ngủ, an toàn với hệ tim mạch và hiệu quả cũng được kéo dài hơn thuốc kháng histamin thế hệ 1.
Chúc bạn và gia đình luôn có sức khỏe thật tốt để vượt qua giai đoạn "ẩm ương" chuyển mùa, mà không phải lo lắng về tình trạng dị ứng thời tiết làm gián đoạn cuộc sống hằng ngày.
* Nội dung này do LCH Hen, Dị Ứng, Miễn Dịch Lâm Sàng TP.HCM thực hiện, với sự tài trợ của Gigamed cho mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng.