Khoảng 20 - 60% người bệnh đái tháo đường có tăng huyết áp. Việc không kiểm soát huyết áp hiệu quả có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh đái tháo đường.
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) vừa tiếp nhận điều trị cho người bệnh Đ.N.T.L (46 tuổi, ngụ tại TPHCM). Bà L được chẩn đoán mắc ĐTĐ hơn 1 năm nay. Khoảng 2 tuần nay, bà tự mua theo đơn thuốc cũ uống mà không tái khám lần sau.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, bà hạn chế vận động, chế độ ăn cũng thất thường hơn. Gần đây, bà L thường xuyên cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi, tim đập nhanh. Mắt của bà cũng nhìn mờ hơn trước.
Theo bác sĩ đường huyết của bà L tăng rất cao, nếu không kịp thời kiểm soát có thể gây biến chứng về mắt và tim mạch. Bà L phải nhập viện để kiểm soát đường huyết tích cực.
ThS BS. Nguyễn Đình Sơn Ngọc – Khoa Nội tim mạch BV ĐHYD TPHCM cho biết, tại Việt Nam, tỉ lệ tăng huyết áp (THA) ở người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) trong khoảng từ 50-70%.
Nhiều nghiên cứu cho thấy THA và ĐTĐ thường song hành cùng nhau vì chúng có cùng các yếu tố nguy cơ như: thừa cân - béo phì, chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều muối đường hoặc lười vận động.
THA là một yếu tố làm tăng độ nặng của ĐTĐ và ngược lại, ĐTĐ cũng làm cho THA trở nên khó điều trị hơn.
Tăng huyết áp nguy cơ cao dẫn tới biến chứng tim mạch - Ảnh minh hoạ.
THA và ĐTĐ đều là yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch. THA và ĐTĐ làm gia tăng bệnh lý về mạch máu. Tỉ lệ bệnh mạch vành và đột qụy tăng gấp 2 - 3 lần so với người không bị ĐTĐ. Do đó, việc kiểm soát huyết áp ổn định sẽ giúp giảm các nguy cơ nói trên và là một mục tiêu quan trọng trong điều trị cho người bệnh ĐTĐ có THA (song song với điều chỉnh đường huyết tích cực và làm giảm cholesterol máu).
THA và ĐTĐ có thể gây nhiều biến chứng trên các cơ quan khác nhau: trên mắt, bệnh lý võng mạc do ĐTĐ hoặc THA dẫn đến mất thị lực hoặc mù; trên thận, những tổn thương thận lâu dần sẽ dẫn đến suy thận và bệnh thận mạn giai đoạn cuối; trên hệ thần kinh, có thể gây tổn thương hệ thần kinh ngoại biên; trên mạch máu não sẽ làm tăng nguy cơ bị tai biến mạch máu não; trên hệ tim mạch, người bệnh có thể bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp, suy tim. Đối với hệ động mạch ngoại biên sẽ làm giảm tưới máu chi, gây loét, hoại tử hoặc thậm chí cần phải cắt bỏ chi.
Theo ThS BS. Nguyễn Đình Sơn Ngọc, đối với người bệnh ĐTĐ đồng mắc THA, việc điều trị tốt nhất là cần phải kiểm soát tốt huyết áp, giữ huyết áp dưới 130/80mmHg. Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thuốc để ổn định huyết áp. Tùy vào tình trạng bệnh lý của từng người bệnh, Bác sĩ sẽ hướng dẫn kiểm soát huyết áp ở mức phù hợp.
Song song đó, người bệnh cần phải điều chỉnh tình trạng rối loạn mỡ máu, hạn chế đạm trong thực phẩm, giảm cân (nếu thừa cân), bỏ rượu và thuốc lá (nếu có), tập luyện thể dục đều đặn. Cần giữ đường huyết ổn định, cụ thể là dưới 70 mmol/l lúc đói và dưới 10 mmol/l thời điểm 2 giờ sau ăn.
Hiện nay, các nhóm thuốc có thể sử dụng trên các người bệnh THA kèm theo ĐTĐ là nhóm ức chế men chuyển hoặc nhóm chẹn thụ thể angiotensin, chẹn kênh canxi và lợi tiểu. Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh phối hợp những nhóm thuốc này với nhau để giúp người bệnh đạt được mục tiêu huyết áp phù hợp.
Đối với những người bệnh ĐTĐ có huyết áp từ 120/80mmHg trở lên, cần phải thay đổi lối sống, kết hợp chế độ ăn phù hợp. Để dự phòng THA hiệu quả, chế độ ăn cần phải giảm lượng muối natri (dưới 2,3 gram/ngày), ăn nhiều trái cây, rau quả, sử dụng các sản phẩm sữa ít chất béo, tránh uống rượu và tăng cường hoạt động thể lực.