Hiện nay, nhiều người trẻ gặp áp lực lớn về chuyện kết hôn, mua nhà, kiếm tiền. Trường hợp của anh Nguyễn Văn H. (30 tuổi, ở Hà Nam) là một ví dụ, anh mới đây phải đi bệnh viện khám sức khỏe do nhiều ngày liên tục mất ngủ. Sau khi thăm khám, bác sĩ đã cho nhập viện để điều trị.
Theo người nhà bệnh nhân, công việc của anh là làm nghề chép tranh, làm công việc một mình, nhận tranh về chép, gần như không có giao tiếp với mọi người. Cũng vì quá bận công việc nên anh không có thời gian dành cho việc yêu đương. Đồng thời, vốn trầm tính, anh H. cũng không thích đến chỗ đông người, do đó việc tìm người yêu càng khó khăn.
Là con trai duy nhất trong gia đình, bố mẹ anh đều đã có tuổi, chỉ mong con trai lập gia đình cho yên ổn. Nhà cửa đã xây, sẵn sàng cho anh cưới vợ. Thế nhưng, dường như anh vô cảm với những người được mai mối. Mỗi kỳ nghỉ lễ, dù dài hay ngắn ngày anh đều ngại về quê vì… sợ mọi người giục cưới vợ.
Cuối cùng, không thể ngồi im chờ đợi, mẹ anh quyết định “đưa” con trai đến khám chuyên khoa Tâm thần. Chiều mẹ, anh cũng đi. Không ngờ, sau khi kiểm tra, bác sĩ nhận thấy anh có dấu hiệu mắc chứng bệnh trầm cảm.
Rối loạn cảm xúc, bệnh nhân có thể tự sát
TS. BS Trịnh Thị Bích Huyền (Viện sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai) cho hay, trường hợp như bệnh nhân H. nói trên không phải là hiếm. Trong quá trình công tác, BS còn gặp nhiều trường hợp bệnh nhân là nữ giới “mẫn cảm” với việc xây dựng gia đình.
Đưa ra ví dụ trường hợp nữ bệnh nhân 35 tuổi quê ở Ninh Bình, BS Huyền cho biết: Bệnh nhân chưa xây dựng gia đình nhưng phải vào miền Nam sinh sống vì áp lực cuộc sống, muốn tránh xa những lời bàn tán về chuyện “vì sao 35 tuổi mà cô chưa kết hôn”.
Nữ bệnh nhân cho biết, dù kinh tế ổn định nhưng lý do cô “ngại lấy chồng” là vì mẹ mất sớm, phải tự lập sớm và đã chứng kiến quá nhiều biến cố trong đời. Bệnh nhân từng chia sẻ có 2 chị gái nhưng đều đã lấy chồng và không hạnh phúc, cuộc sống khó khăn. Bố đẻ khi về già lại quá cô đơn nên mọi việc chăm sóc bệnh tật đều do cô lo chăm sóc. Thế nhưng, những người xung quanh lại không hiểu cho cô, liên tục giục giã chuyện chồng con làm cô ngày càng sống thu mình. Chính những điều đó, cùng với công việc quá bận rộn khiến cô muốn quên đi chuyện xây dựng gia đình.
Theo BS Huyền, đó là một bệnh lý về rối loạn cảm xúc. “Người bệnh thường có những biểu hiện buồn chán không muốn giao tiếp, không thích chỗ đông người, bi quan về tương lai và đặc biệt không có nhu cầu về sinh lý”, BS Huyền cho biết.
Việc tạo áp lực buộc phải cưới vợ, lập gia đình, yên bề gia thất cũng là một áp lực với một người. Nếu đang gặp những áp lực, điều này càng làm họ tăng thêm stress, căng thẳng và khiến cho tình trạng trầm cảm nặng lên, tạo thành vòng xoắn bệnh lý, BS phân tích thêm.
Theo chuyên gia, việc điều trị bệnh này cần phải kết hợp thuốc chống trầm cảm và các biện pháp tư vấn tâm lý cho người bệnh. Nếu bệnh không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh, trường hợp nặng quá có thể dẫn đến tự sát.