Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, cứ 40 giây lại có một người ở Mỹ bị đột quỵ, vì vậy việc nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng rất quan trọng. Các chuyên gia khuyên rằng đừng bao giờ bỏ qua những triệu chứng này của bệnh đột quỵ. Dưới đây là 4 dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ là ai cũng không nên bỏ qua.
Bệnh đột quy là gì?
Đột quỵ là căn bệnh cấp tính. Đột quỵ xảy ra khi xuất hiện hiện tượng vỡ mạch máu não hoặc tắc mạch khiến dòng máu lên nuôi não bị ngưng trệ, không tuần hoàn.
Nếu không được điều trị kịp thời, các tế bào trong não sẽ nhanh chóng bị ngừng hoạt động. Điều này có thể khiến người bệnh đối mặt với di chứng tàn tật, thậm chí là tử vong.
Nguyên nhân gây ra đột quỵ
Nguyên nhân chính gây ra đột quỵ được cho là do xơ vữa động mạch. Cholesterol cao có thể tích tụ trên thành động mạch, vì vậy mà tạo thành vật cản gây tắc nghẽn mạch máu não.
Tình trạng tắc nghẽn mạch máu não này có thể xảy ra do cục máu đông. Nó gây nên đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Xơ vữa động mạch khiến cho các cục máu đông dễ dàng hình thành hơn. Đột quỵ xuất huyết có thể xảy ra nếu tình trạng huyết áp cao của người bệnh không được kiểm soát dẫn tới động mạch bị vỡ.
4 dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ dễ nhận biết nhất
Đột ngột tê hoặc yếu ở mặt, cánh tay hoặc chân, đặc biệt là ở một bên của cơ thể. Đột ngột nhầm lẫn, khó nói hoặc khó hiểu lời nói. Đột ngột khó nhìn ở một hoặc cả hai mắt. Đột ngột khó đi bộ, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc thiếu phối hợp.
Bạn có thể bị đột quỵ mà không biết. Các dấu hiệu bị đột quỵ có thể không được phát hiện nếu đây chỉ là cơn đột quỵ nhẹ, cơn đột quỵ thoáng qua, khiến mô bị tổn thương nhẹ hoặc các mô bị tổn thương không phục vụ chức năng mà người bệnh có thể nhận biết như chức năng cao cấp: Tính toán, tình cảm, cảm xúc,… Chúng ta có thể phát hiện ra tình trạng đột quỵ này thông qua hình ảnh khi chụp CT hoặc MRI não.
Ngoài ra, nếu các dấu hiệu đột quỵ nhẹ xuất hiện trong lúc bạn đang ngủ thì bạn cũng có thể không nhận ra chúng. Chẳng hạn như việc tê cứng nửa thân người khi đang ngủ thường bị hiểu lầm thành chuột rút hoặc “bóng đè” (một hiện tượng dân gian).
Điều nguy hiểm là sau cơn đột quỵ nhẹ mà bạn không thể nhận biết thì trong vòng vài giờ hay vài ngày sau (thường trong tuần lễ đầu tiên) thì bệnh tiến triển nặng dần có thể gây liệt nửa người không thể vận động hay rơi vào hôn mê. Do đó, người bệnh không nên chủ quan.
Trên đây là 4 dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ dễ nhận biết nhất. Càng sớm nhận ra dấu hiệu đột quỵ hay triệu chứng đột quỵ và điều trị kịp thời thì càng tăng tỷ lệ sống sót của người bệnh sau đột quỵ cũng như hạn chế được các biến chứng nặng. Bạn nên chủ động ghi nhớ các dấu hiệu đột quỵ.
Ngoài ra, chúng ta nên xây dựng lối sống lành mạnh: Hạn chế rượu, không hút thuốc, hạn chế chất béo bão hoà, tăng cường bổ sung các dưỡng chất cần thiết, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều trị các bệnh là yếu tố nguy cơ của đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch,… để phòng ngừa đột quỵ.