Thực tế cho thấy, nếu bạn phụ thuộc vào những bữa ăn ở ngoài có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe nếu ăn quá nhiều. Trong khi sơ chế và chuẩn bị bữa ăn tại nhà mang lại rất nhiều lợi ích về sức khoẻ, thời gian và kinh tế.
1. Nấu ăn tại nhà tốt cho sức khỏe hơn
Khi bạn ăn ở nhà bạn sẽ đảm bảo được một chế độ ăn uống lành mạnh , tốt cho sức khỏe nhất so với ăn ở ngoài. Vì hầu hết các bữa ăn nhà hàng, nhất là thức ăn đường phố thường không có tiêu chuẩn chất lượng, nghĩa là họ không ưu tiên các thực phẩm lành mạnh như: trái cây , rau tươi, ngũ cốc nguyên hạt , cá, thịt gia cầm nạc, các loại hạt. Tại nhà hàng, đồ uống có đường, đồ ngọt và thịt chế biến sẵn cũng không được giới hạn.
Nghiên cứu cho thấy, những người lên kế hoạch cho bữa ăn của họ có nhiều khả năng tuân thủ tốt hơn các hướng dẫn dinh dưỡng cũng như tăng cường đa dạng thực phẩm bởi vì họ chủ động suy nghĩ và lựa chọn thực phẩm lành mạnh theo tiêu chuẩn tốt cho sức khoẻ.
Hơn nữa, việc lập kế hoạch cho các bữa ăn trong vài ngày hoặc một tuần cũng cho phép bạn sử dụng các nguyên liệu khác nhau và tạo ra một chế độ ăn uống đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng hơn.
Bạn cũng có thể chủ động cắt giảm được các loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe như: thức ăn nhanh đóng gói, thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều phụ gia, chất bảo quản, đường, muối, chất kích thích có thể làm gia tăng tình trạng viêm trong cơ thể, gây tăng cân, béo phì và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Nấu ăn tại nhà giúp bạn có sự lựa chọn dinh dưỡng tốt hơn.
Đặc biệt, nếu bạn đang muốn giảm cân thì đây là một cách tốt nhất để bắt đầu. Vì chuẩn bị bữa ăn tại nhà sẽ giúp bạn kiểm soát khẩu phần và theo dõi lượng calo tốt nhất. Thêm vào đó, khi bạn biết mình đã ăn gì, ăn bao nhiêu sẽ giúp bạn kiểm soát được tình trạng ăn quá nhiều sau đó.
Đối với những người có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đặc biệt là đái tháo đường thì ăn uống tại nhà là cách tốt nhất để tuân theo một chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng bệnh của mình với các thực phẩm đã được lựa chọn theo tiêu chuẩn, cũng như hạn chế tối đa việc tiêu thụ muối, đường bổ sung thường có nhiều trong đồ ăn bên ngoài chế biến sẵn.
2. Bạn sẽ tiết kiệm được tiền khi nấu ăn tại nhà
Mua sắm thực phẩm theo kế hoạch là một cách khôn ngoan để tiết kiệm chi phí. Với việc chuẩn bị bữa ăn, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền bằng cách chỉ mua những thứ bạn cần, mua số lượng lớn hơn với nhiều thực phẩm tươi ngon hơn.
Bên cạnh đó, vì đã có kế hoạch cho từng bữa ăn và khẩu phần ăn nên bạn sẽ hạn chế được khả năng vứt bỏ thức ăn thừa nhiều hơn là ăn ở ngoài hàng hay mua mang về. Điều này cũng giúp bạn đỡ lãng phí thực phẩm và tiền bạc.
Mua sắm thực phẩm theo kế hoạch là một cách khôn ngoan để tiết kiệm chi phí.
3. Tiết kiệm thời gian
Mặc dù có thể ban đầu bạn mất nhiều thời gian để lên kế hoạch và tính toán số lượng bữa ăn, thực phẩm trong ngày hoặc trong tuần, nhưng cuối cùng, nó sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian. Khi bạn đã hoàn thành tuần đầu tiên, bạn có thể sử dụng kế hoạch đó cho những tuần tiếp theo.
Điều quan trọng là trong một ngày công việc bận rộn, bạn không cần phải lo lắng vì không thể trở về nhà sớm để đi mua thực phẩm mà chỉ cần mở tủ lạnh ra bạn đã có đầy đủ nguyên liệu cho một bữa tối giàu dinh dưỡng cho cả gia đình.
4. Tăng cường gắn kết tình cảm gia đình
Ngoài những lợi ích rõ ràng về sức khỏe và kinh tế, bữa ăn tại nhà còn là cầu nối gắn kết tình cảm của các thành viên trong gia đình.
Việc thường xuyên tham gia vào các bữa ăn gia đình giúp hình thành thói quen ăn uống lành mạnh như ăn đúng giờ, ăn đủ bữa. Sự giao lưu, chia sẻ của mọi người trong bữa cơm gia đình cũng góp phần giảm bớt căng thẳng và áp lực của cuộc sống.
Bữa ăn tại nhà giúp tăng cường gắn kết tình cảm gia đình. Ảnh minh họa
5. Mẹo chuẩn bị, sơ chế và bảo quản bữa ăn đúng cách
Chuẩn bị các bữa ăn là một quá trình đơn giản với sự chuẩn bị phù hợp. Bạn chỉ cần làm theo các bước sau:
- Lập danh sách các bữa ăn: Bạn sẽ cần cân nhắc xem gia đình mình ăn những bữa nào và chế biến bao nhiêu phần.
- Xác định lượng thực phẩm và phương pháp nấu những món ăn phù hợp trước khi đi chợ hay siêu thị mua thực phẩm. Cần lựa chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng từ các nhóm thực phẩm chính, ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, cá, chất béo lành mạnh như dầu ô liu…
- Bảo quản các bữa ăn đúng cách: Nếu bạn không thể bảo quản thực phẩm đúng cách, an toàn, thì chẳng có ích gì khi bạn chuẩn bị một lượng lớn thực phẩm.
Trước hết, thực phẩm sau khi mua về cần được phân loại và sơ chế phù hợp. Các loại ngũ cốc như gạo, các loại hạt, củ quả như: bí đỏ, khoai tây, khoai lang… có thể để được ở môi trường bên ngoài trong điều kiện khô ráo. Cà chua nên bảo quản ở nhiệt độ phòng.
Sữa, thực phẩm chín nên ăn ngay. Rau có lá cắt sạch, cho vào túi đựng thực phẩm để ngăn mát. Trứng để trong tủ lạnh ở ngăn mát. Trái cây nên để ngăn riêng.
Các loại thịt cá, hải sản nên sơ chế, chia thành từng phần vừa đủ một bữa ăn cho vào túi hoặc hộp có nắp đậy và bảo quản ngăn đông.