5 bộ phận của gà ngon 'tuyệt hảo' nhưng ăn nhiều lại gây họa

Thịt gà là thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khoẻ, giúp cung cấp các dưỡng chất, axit amin, vitamin thiết yếu cho cơ thể.

Người xưa có câu: "Nhất phao câu, nhì đầu, cánh". Câu này có ý nói thịt gà ngon nhất là bộ phận phao câu và ngon nhì sẽ đến đầu, cánh nên khi ăn thịt gà đừng quên ăn những bộ phận này. Tuy nhiên, ngày nay khoa học hiện đại đã chứng minh điều ngược lại.

5 bộ phận của gà ngon tuyệt nhưng tránh ăn quá nhiều

Phao câu gà

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia) cho hay: "Dân gian vẫn chia sẻ nhau kinh nghiệm ăn phao câu để mượt tóc, giảm đau đầu. Tuy nhiên, những thông tin này không có cơ sở khoa học. Theo tôi, đây chỉ là cách lý giải của các cụ ngày xưa để tận dụng các thực phẩm khi cuộc sống đói khổ không có cái để ăn".

5 bộ phận của gà ngon tuyệt hảo nhưng ăn nhiều lại gây họa - Ảnh 1.

Không nên ăn nhiều phao câu gà (Ảnh: Internet)

Phao câu có chứa nhiều chất béo không tốt cho cơ thể. Bộ phận này còn là nơi có chứa nhiều vi khuẩn gây hại, nếu như không được chế biến sạch. Một số vi khuẩn có thể có trong phao câu gà bao gồm: E.Coli, Salmonella.

"Ngày nay, khi thực phẩm đã nhiều, chúng ta cần hạn chế ăn bộ phận này. Nếu thích ăn thì cần phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và không nên ăn liên tục trong thời gian dài", bác sĩ Hưng nói.

Cánh gà

Theo bác sĩ Hưng, nhiều người thường lo ngại về cholesterol khi ăn cánh gà. Tuy nhiên, thỉnh thoảng ăn 1-2 cái cánh gà thì hoàn toàn không có vấn đề gì. Còn nếu mọi người vẫn lo ngại thì có thể lọc bỏ phần da, điều này sẽ giúp giảm đi được lượng chất béo đáng kể.

"Mọi người không nên quá căng thẳng khi sử dụng hai bộ phận là phao câu và cánh gà và lo lắng chúng có thể gây hệ luỵ cho sức khoẻ. Về nguyên tắc, chúng ta không nên kiêng quá mức bất kỳ loại thực phẩm nào. Dù 2 bộ phận trên có thể làm tăng nguy cơ cho người thừa cân, béo phì, tim mạch, mỡ máu nhưng nếu sử dụng đúng cách, ăn vừa phải, đủ lượng trên tổng hoà chế độ ăn thì mọi người vẫn sử dụng được", bác sĩ Hưng nhắn nhủ.

Cổ gà

Còn theo BS Lê Thị Thư, Chuyên khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, cổ gà là nơi có chứa nhiều chất béo bão hòa. Nếu ăn nhiều chất béo bão hòa dễ gây béo phì tăng mỡ máu, tạo mảng xơ vữa mạch máu cũng như kéo theo các vấn đề chuyển hóa khác của cơ thể.

Ngoài ra, vùng da tại cổ còn có chứa nhiều tuyến dịch bạch huyết và cholesterol 'xấu'. Do vậy, người thích ăn bộ phận này cần phải chú ý bỏ phần hạch (nếu có), ăn ở mức vừa phải để tránh cholesterol tăng cao.

5 bộ phận của gà ngon tuyệt hảo nhưng ăn nhiều lại gây họa - Ảnh 2.

Cổ gà khi ăn nên bỏ bớt da, hạch, ảnh minh hoạ - nguồn Internet

Lòng, mề gà

Bác sĩ Anh Thư cho hay, ngoài phao câu, cổ, cánh thì bộ phận nội tạng gà như: Lòng gà, mề gà cũng không nên ăn nhiều. Bởi, nội tạng gà thường có chứa nhiều cholesterol.

Mặc dù nội tạng gà có nhiều dinh dưỡng nhưng chúng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hại như: Dư lượng thuốc trong quá trình chăn nuôi, giun sán...

Nếu muốn ăn lòng, mề gà chuyên gia lưu ý người dân cần phải làm sạch vì bộ phận này chứa nhiều chất thải, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây bệnh. Tuy nhiên, để tốt nhất cho sức khoẻ thì mọi người không nên ăn lòng, mề gà.

Nguyên tắc ăn thịt gà là cần phải nấu chín, phải đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các bộ phận như: phao câu, cổ, cánh, lòng gà, mề gà thì hạn chế sử dụng với tần suất nhiều và liên tục.