8X "tốt nghiệp viện K" sau 3 cú sốc thập tử nhất sinh: Bí quyết có bệnh vẫn đẹp

"3 năm làm bạn với bệnh ung thư, ban đầu hơi hoang mang nhưng sau đó tôi lại nghĩ bị bệnh có khi đó lại là phúc".

Chị Nguyễn Thị Thu Hường (35 tuổi, ở Hà Nội) mắc ung thư tế bào máu từ năm 2018, đến nay đã gần 3 năm, bệnh của chị đã dần ổn định. Định kỳ 3 tháng 1 lần chị sẽ vào viện kiểm tra lại. Chị đã kể lại câu chuyện của mình để truyền động lực cho những người đồng bệnh.

Mắc bệnh nhưng vẫn phải đẹp

Một ngày vào tháng 10/2018, trong một lần khám sức khỏe định kỳ cùng công ty, tôi được bác sĩ siêu âm và thấy có hạch, nghi là ung thư. Vốn khỏe mạnh, ít bị bệnh vặt nên tôi khá hoang mang khi được bác sĩ tư vấn. Ngay chiều hôm ấy tôi cùng chồng đến Bệnh viện K thăm khám chuyên sâu.

Ròng rã một tuần được các bác sĩ thăm khám, siêu âm, tin chẳng vui đã đến: tôi bị ung thư tế bào máu. Cầm kết quả trên tay, hai vợ chồng mình cứ thế ôm nhau khóc mất nửa ngày. Nghĩ cũng buồn cười, mình từ bé giờ rất khoẻ mạnh, cao 1m65, cân nặng luôn duy trì trong khoảng 50kg, ăn uống ngon miệng, ngủ nghỉ cũng hơi điều độ. Mình ăn uống lành mạnh, không dùng chất kích thích, không biết uống rượu bia, không bị ốm vặt bao giờ và tự dưng vào một ngày đẹp trời phát hiện ốm thì K luôn.

8X tốt nghiệp viện K sau 3 cú sốc thập tử nhất sinh: Bí quyết có bệnh vẫn đẹp  - Ảnh 2.

Luôn là cô gái hay cười, lạc quan, 8X bàng hoàng khi nhận được tin bản thân mắc bệnh K. Ảnh: NVCC.

Lúc ấy tôi từng hy vọng bản thân chỉ ốm thôi chứ không phải ung thư. Tôi còn ước mình chỉ bị bệnh nào đó dễ chữa và sống lâu hơn chứ không phải là K. Nhưng nhìn vào tờ kết quả trên tay, dù không muốn tin cũng phải tin đó là sự thật. Sau phút bàng hoàng cùng với hàng vạn câu hỏi vì sao và vài phút nghĩ quẩn rằng bản thân chắc chắn sẽ chết. Tôi bình tâm lại, tôi nghĩ ‘mình có bệnh thì chữa, có sao đâu. Hai vợ chồng bắt đầu khăn gói đi nhập viện, sẵn sàng tâm thế chiến đấu cùng bệnh.

Tâm thế đã sẵn sàng, tôi bắt đầu nằm viện để tiến hành phẫu thuật. Sau đó tôi được chuyển qua khoa nội để truyền hóa chất. Từ những tìm hiểu sách vở, chia sẻ của các bệnh nhân ung thư khác, tôi biết truyền hóa chất khá mệt mỏi và sẽ rụng tóc. Điều đầu tiên tôi nghĩ đến khi biết thông tin là: "Làm thế nào để rụng tóc mà vẫn phải đẹp". Tôi bắt đầu lang thang từ trên mạng đến các con phố bán tóc giả ở Hà Nội, thu gom độ chục bộ đủ mẫu từ dài đến ngắn, cất dùng dần.

8X tốt nghiệp viện K sau 3 cú sốc thập tử nhất sinh: Bí quyết có bệnh vẫn đẹp  - Ảnh 3.

Luôn quan niệm: "Bệnh cũng phải đẹp", chị Hường đã đi thu gom hơn chục bộ tóc giả về dùng dần sau khi truyền hóa chất vào người.

Và thế là sau 12 ngày vào hóa chất đợt đầu tiên, tôi bắt đầu rụng tóc. Nhìn thấy nó rụng từ từ trông khá ngứa mắt, tôi ra tiệm và xử gọn mớ tóc còn lại bằng cách cạo sạch đầu. Nhưng dù là trọc thì cũng phải đẹp, thế nên ngoài việc đội tóc giả đã chuẩn bị sẵn, mình cũng ngồi tìm mua các kiểu mũ, khăn để phối sao cho hợp với tóc giả và quần áo.

Bước vào giai đoạn truyền hoá chất, đúng là thấy khổ thật. Cảm giác nôn nao khó chịu, rất hay buồn nôn, nên bác sĩ đã dự phòng kê cho tôi thuốc nôn, ăn uống cảm thấy thật khó chịu, thôi chả sao, ăn ít càng đỡ béo, càng xinh.

Trộm vía! Người khác qua 8 đợt truyền hóa chất thì bết xê lết phát sợ luôn, mình chỉ bị đau và khó chịu khoảng 5-7 ngày đầu trong mỗi đợt thôi, còn các ngày khác thì đỡ hơn. Thế nên, thời gian còn lại, không đi làm, mình chỉ lo chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần. Mình ăn uống bồi dưỡng, đi du lịch, đi mua sắm, bếp núc nội trợ... yêu đời thế bảo sao không thấy vui mọi nơi mọi lúc.

3 cú sốc không thể quên

Nói vui là thế, nhưng trong 2 năm điều trị tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn, những đau đớn về thể xác là điều không thể tránh khỏi. Dù đã sẵn sàng tâm lý, ấy thế tôi cũng có 3 lần tưởng chừng chẳng còn trên đời này nữa, đây cũng là 3 cú sốc chắc cả đời này tôi chẳng thế nào quên.

Theo phác đồ điều trị, tôi cần chuyền hóa chất 8 lần, ấy thế nhưng chỉ đến lần thứ 6, tôi đã phải đổi thuốc khác do tôi bị kháng thuốc. Những cố gắng 6 lần trước đó trở về con số 0. Cứ ngỡ mình đã sắp hoàn thành mục tiêu, ấy thế mà con đường chữa bệnh khá chông chênh.

Lần thứ 2 tôi phải mổ phanh đến 2 lần chỉ trong vòng 2 tháng. Người bình thường ốm đau thì chỉ 2-3 năm mổ 1 lần mới tốt cho sức khỏe. Nhưng người bệnh K như tôi thì phải mổ vét hạch ung thư đến 2 lần chỉ trong 3 tháng nên khiến tôi khá đau và mệt.

8X tốt nghiệp viện K sau 3 cú sốc thập tử nhất sinh: Bí quyết có bệnh vẫn đẹp  - Ảnh 4.

Mặc dù luôn vui vẻ, lạc quan, nhưng trong hơn 2 năm chữa bệnh, chị Hường cũng không tránh khỏi những lần suýt đi gặp tử thần.

Lần cuối cùng tôi tưởng chừng chẳng vượt qua cú sốc này. Đó là lúc chỉ còn 3 ngày nữa là được ra viện, cứ ngỡ là sắp thoát khỏi chuỗi ngày điều trị cực khổ thì tôi nhận được thông báo bác sĩ phát hiện có nốt đen trong gan trong đợt kiểm tra tổng quát lần cuối. Thế là từ tâm thế chuẩn bị được xuất viện thì tôi lại bắt đầu chạy đua chọc gan các thứ để kiểm tra xem có phải di căn không.

Mọi thứ cứ như thế, quay đi quay lại thì tôi cũng xong 8 đợt truyền hóa chất vào người, trong đó phải kể đến quãng thời gian khó khăn tưởng không thể vượt qua. May mắn thay, cuối cùng tôi đã "tốt nghiệp Viện K" với tấm bằng xuất sắc sau 2 năm điều trị. Bệnh K mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm, tích cực nhiều hơn là tiêu cực thì phải.

Đôi khi mang bệnh lại là phúc

Quả thực mà nói, bệnh K mang lại cho tôi rất nhiều trải nghiệm đáng quý. Những ngày nằm viện, tôi được bố mẹ 2 bên, anh chị em, cô dì chú bác, bạn bè, người thân, đồng nghiệp quan tâm chăm sóc, đặc biệt là ông xã. Khi đó mới thấy mình thật có phúc. Bởi vậy lúc nào tôi cũng thấy vui, thấy hạnh phúc vô cùng.

Những ngày nằm viện, tôi lại được làm quen với các cô, các chú, các em bệnh nhân. Người nào cũng vui vẻ như tôi, rồi buôn chuyện từ đầu phòng đến cuối phòng bệnh viện, chụp ảnh selfie các kiểu... Nói chung là vui. Lúc đó tự dưng tôi cảm thấy K cũng như 1 căn bệnh bình thường!

Trải qua bệnh, tôi trưởng thành hơn rất nhiều, cảm thấy quen dần với những chuyện đau buồn đã xảy ra trong quá khứ. Thậm chí tôi còn thấy bản thân mình may mắn vì trong xã hội đầy rẫy rủi ro nào là ô nhiễm, nào là tai nạn, nào là thị phi... thì bệnh K còn nhẹ hơn rất nhiều, vậy thì có gì phải sợ đâu.

8X tốt nghiệp viện K sau 3 cú sốc thập tử nhất sinh: Bí quyết có bệnh vẫn đẹp  - Ảnh 5.

Vốn yêu thích nấu ăn, chị Hường thường lấy đó là niềm vui cho mình.

Sau khi mắc bệnh, tôi có lối sống lành mạnh và chú trọng đến sức khỏe hơn rất nhiều. Đặc biệt, là ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ dinh dưỡng. Cùng với đó là niềm vui vào bếp nấu ăn cho người mình yêu. Tôi thích nấu ăn cho anh xã lắm, nấu ăn cho người mình yêu rất hạnh phúc.

Nói chung cuộc sống của tôi trước và sau khi mắc ung thư đều gói gọn trong mấy chữ: Lạc quan, yêu đời và đặc biệt tôi rất hay cười!

Qua giai đoạn bệnh, tôi muốn nhắn nhủ với mọi người, nhất là những người cùng bệnh K như tôi một điều rằng: Chúng ta luôn là những người may mắn vì vẫn còn được sống hạnh phúc trên cõi đời này, may mắn có những trải nghiệm để rèn luyện bản thân.

https://soha.vn/8x-tot-nghiep-vien-k-sau-3-cu-soc-thap-tu-nhat-sinh-bi-quyet-co-benh-van-dep-20220329144119134.htm