Theo Reuters, hôm 12/1, bồi thẩm đoàn ở Manhattan cho biết Adidas đã không chứng minh được thương hiệu xa xỉ Thom Browne vi phạm quyền sử dụng họa tiết sọc đặc trưng của hãng thể thao Đức. Họ nhận thấy những họa tiết trên thiết kế của Thom Browne không có khả năng khiến người tiêu dùng nhầm lẫn với các sản phẩm của Adidas.
Trong email, người phát ngôn của Adidas cho biết công ty thất vọng với phán quyết và "tiếp tục thực thi một cách thận trọng quyền sở hữu trí tuệ" của họ, gồm cả việc nộp đơn kháng cáo thích hợp. Thom Browne cho biết ông hy vọng việc bảo vệ các thiết kế kẻ sọc của ông trên quần áo và phụ kiện thể thao sang trọng sẽ truyền cảm hứng cho những nhà thiết kế khác.
Adidas đệ đơn kiện Thom Browne từ tháng 6/2021. Phía hãng thể thao của Đức cho rằng Thom Browne bắt chước họa tiết đường kẻ sọc đặc trưng của họ.
Trong đơn, Adidas nêu rõ họa tiết ba đường kẻ được hãng đăng ký sử dụng độc quyền trên giày dép năm 1952 và quần áo năm 1967. Từ năm 2008 đến nay, Adidas đã đệ hơn 90 đơn kiện và ký kết hơn 200 thỏa thuận hòa giải liên quan đến nhãn hiệu. Hãng từng giải quyết tranh chấp về họa tiết này với các thương hiệu Skechers, Juicy Couture và Marc Jacobs.
Luật sư Robert T Maldonado của Thom Browne nói với thẩm phán Jed Rakoff trong phiên tòa hôm 3/1: "Chúng tôi không cạnh tranh với Adidas dưới bất kỳ hình thức nào vì Thom Browne là nhà mốt xa xỉ, Adidas là công ty đồ thể thao. Cả hai không cùng đối tượng khách hàng. Người tiêu dùng không thể bị nhầm lẫn bởi bất kỳ điểm tương đồng nào giữa hai thương hiệu".
Thương hiệu Thom Browne do nhà thiết kế cùng tên sáng lập vào năm 2003. Nhà mốt nổi tiếng với các bộ vest cách tân, phá cách mang hơi thở thể thao. Năm 2005, hãng bắt đầu đưa họa tiết ba đường kẻ sọc vào các thiết kế. Hai năm sau, khi Adidas phản đối, Thom Browne đồng ý thay họa tiết này bằng họa tiết bốn đường kẻ sọc. Tranh chấp giữa hai thương hiệu trở nên nghiêm trọng hơn khi gần đây, Thom Browne phát triển dòng thể thao.
Họa Mi (theo Reuters, Vogue Business)