Chị N.T.L., 40 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM cho hay có con gái đang học lớp 5. Gần đây con chị về hay kể bạn này trong lớp mới phải đeo kính do cận thị, vài tuần sau con lại kể một bạn khác mới phải đeo kính cũng do cận thị.
Chị L. rất lo lắng vì sợ con cũng bị cận thị. Chị đang tìm hiểu xem cho con ăn gì, tập luyện như thế nào để phòng chống cận thị.
Cận thị thường do sử dụng máy tính, điện thoại nhiều...
Bác sĩ Nguyễn Kim Ngân, đơn vị điều trị - chăm sóc da và làm đẹp, khoa khám bệnh - Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, cho biết mắt người được ví như thấu kính có khả năng điều tiết, tự điều chỉnh để quan sát vật kỹ hơn, qua các động tác như nheo mắt, dụi mắt, nhướn mày để nhìn được hình ảnh rõ nét hơn.
Cận thị tức là mắt nhìn vật ở gần thì thấy rõ, nhìn xa thấy mờ, phải nheo mắt mới nhìn rõ hơn được. Tật này có thể được cải thiện khi đeo kính hoặc phẫu thuật mắt.
"Nguyên nhân cận thị thường gặp nhất là điều tiết mắt quá mức như đọc sách trong điều kiện ánh sáng kém, sử dụng máy tính, điện thoại nhiều, nhìn vật gần mắt trong thời gian dài, di truyền…", bác sĩ Kim Ngân cho hay.
Như vậy, để phòng ngừa cận thị trước hết phải tập rèn luyện và bảo vệ mắt đúng cách. Dưới đây là một số khuyến cáo như không sử dụng máy tính, điện thoại trong thời gian lâu, các thiết bị này phát ra ánh sáng xanh gây hại cho mắt. Nên thay đọc sách trên máy tính bằng đọc sách giấy truyền thống.
- Đọc sách, báo, tài liệu cần khoảng cách ngồi thích hợp, khoảng từ 35-40cm là phù hợp và ánh sáng vàng hoặc trắng ấm được khuyến khích sử dụng vì tốt cho mắt. Khi đọc sách hoặc làm việc nên sử dụng lượng ánh sáng nhiều hơn ánh sáng trong phòng sinh hoạt bình thường.
- Sau khi làm việc với mắt trong khoảng 45-60 phút nên nghỉ ngơi vài phút để mắt được thư giãn, giảm căng thẳng khi phải điều tiết mắt trong thời gian dài.
- Giảm điều tiết mắt tự nhiên bằng cách tham gia các hoạt động khác như thiền, nghe nhạc, tập thể dục thể thao, các hoạt động ngoài trời,…
Nên ăn những thực phẩm có nhiều vitamin A
Theo bác sĩ Kim Ngân, các món ăn có thể giúp cải thiện sức khỏe cho mắt là thực phẩm nhiều vitamin A như cà rốt, cà chua, bí đỏ, ớt chuông, bông cải xanh, các loại rau màu xanh đậm, gan, trứng gà, cá, dâu tằm…
Trong y học cổ truyền có những vị thuốc sau giúp "thanh can minh mục" như kỷ tử, quyết minh tử, cúc hoa, táo đỏ, long nhãn, tang thầm, bạch quả,…
Các vị thuốc trên có thể được kết hợp với thực phẩm để làm ra thức ăn bổ dưỡng cho mắt như: cháo nấu từ cà rốt, kỷ tử, táo đỏ, hạt sen; canh sườn heo nấu với kỷ tử, táo đỏ; canh bí đỏ thịt heo; canh cá chép kỷ tử; cà rốt xào bông cải xanh; gà tiềm thuốc bắc; nước sâm nấu từ kỷ tử, cúc hoa; chè đậu đen đại táo…
Xoa bóp bấm huyệt quanh các huyệt vùng mắt có thể hỗ trợ làm giảm tình trạng đau nhức, mỏi mắt, giảm độ cận với các trường hợp cận thị nhẹ, tăng cường tuần hoàn nuôi dưỡng vùng mắt.
Bác sĩ Kim Ngân khuyên các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi khám mắt định kỳ 6 tháng/lần và nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin về bệnh và cách phòng tránh.