Bác sĩ nội soi sửng sốt vì một đống rác hỗn độn trong bao tử nam thanh niên

Bác sĩ cảnh báo những trường hợp lạm dụng chất gây nghiện có tâm lý thích nuốt dị vật, rất khó để khuyến cáo hay đề phòng. Gần đây, bệnh viện tiếp nhận 2 trường hợp nuốt nhiều dị vật, trong đó có một nam thanh niên nuốt nhiều loại vỏ trái cây.

Bác sĩ Phạm Công Nhân, Phó Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) cho biết thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận một số trường hợp lạm dụng chất gây nghiện có tâm lý thích nuốt dị vật.

Bác sĩ nội soi sửng sốt vì một đống rác hỗn độn trong bao tử nam thanh niên - Ảnh 1.

Hình ảnh dị vật khi nội soi trong bao tử bệnh nhân. (Ảnh: Bác sĩ cung cấp)

Theo đó, trường hợp thứ nhất, nam thanh niên (31 tuổi, ngụ TP HCM) giấu gia đình sử dụng chất gây nghiện. Nhằm tạo cảm giác mới lạ, mỗi lần dùng người này đã chủ động nuốt các dị vật như đá, vỏ cam, quýt, chôm chôm… Tuy nhiên, đến khi đau bụng gia đình đưa đi bệnh viện thăm khám.

Tại bệnh viện, các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán lâm sàng phát hiện bao tử bệnh nhân có nhiều dị vật. "Chúng tôi khi nội soi gắp dị vật, trong bao tử như một "đống rác hỗn độn" vì có các loại vỏ trái cây, thủy tinh, đá…" - bác sĩ Nhân sửng sốt.

Bác sĩ nội soi sửng sốt vì một đống rác hỗn độn trong bao tử nam thanh niên - Ảnh 2.

Các dị vật sau khi được gắp ra từ một số bệnh nhân nuốt dị vật tại Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM). (Ảnh: Bác sĩ cung cấp)

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân 27 tuổi, ngụ TP HCM. Người này nuốt từng phần của chiếc bấm móng tay. Khai thác bệnh sử, người nhà cho biết bệnh nhân nuốt dị vật nhằm tạo áp lực vì không muốn đi cai nghiện ma túy.

Theo bác sĩ Nhân, những trường hợp lạm dụng chất gây nghiện có tâm lý thích nuốt dị vật, rất khó để khuyến cáo hay đề phòng. Nếu không được lấy ra kịp thời, dị vật có thể gây thủng dạ dày, xuất huyết thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Bác sĩ Nhân cho biết thêm người bệnh đến cấp cứu vì nuốt dị vật rất phổ biến, nhiều nhất là nuốt vỏ thuốc, tăm xỉa răng, hóc xương cá… Khoảng 80-90% dị vật tự thoát ra ngoài mà không cần xử trí, 20% còn lại phải can thiệp. Trường hợp dị vật không tự thoát ra ngoài có thể gây ra các biến chứng như loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, tắc nghẽn ống tiêu hóa..., nếu không được phát hiện xử trí kịp thời sẽ gây biến chứng nặng và tử vong.