Bản đồ COVID-19 Bình Dương ngày 1-5: Số ca thở máy tăng

Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương đang điều trị 16 ca COVID-19, trong đó 12 ca có bệnh nền, 7 ca có triệu chứng nặng, phải thở oxy và thở máy.

Hôm nay (1-5), Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết số ca mắc COVID-19 trên địa bàn những ngày qua có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là số ca trở nặng.

Theo Bác sĩ Chín, số ca mắc mới trong 2 tuần qua tăng 200% so với trước đó. Đáng chú ý, ngày 29-4 ghi nhận 58 ca mắc COVID-19 , trong đó có 5 ca nhập viện và 1 ca tử vong do bệnh nền.

Ca tử vong là trường hợp của bà D.T.K.C (SN 1959, ngụ tại phường Thuận Giao, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương). Bà C. có bệnh nền suy tim và đái tháo đường, mới tiêm 1 mũi vắc xin, được nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày 24-4 với triệu chứng mệt và khó thở.

Bà C. đã tử vong sau 5 ngày điều trị. Đây là ca tử vong đầu tiên do COVID-19 tại Bình Dương trong năm 2023.

Bản đồ COVID-19 Bình Dương ngày 1-5: Số ca thở máy tăng - Ảnh 1.

Bình Dương khuyến cáo người dân đi tiêm vắc xin COVID-19

Ngày 30-4, số ca mắc COVID-19 mới là 8 ca. Hiện, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương đang điều trị 16 ca, trong đó 12 ca có bệnh nền và 7 ca có triệu chứng nặng, phải thở oxy và thở máy.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, số ca mắc COVID-19 tại Bình Dương là 398 ca.

Trước tình hình dịch COVID-19 có chiều hướng gia tăng, UBND tỉnh Bình Dương phát đi công văn khẩn gửi các sở, ngành, đoàn thể, UBND 9 huyện, thị, thành phố và toàn thể nhân dân trong tỉnh về việc tuân thủ thực hiện thông điệp 2K (khẩu trang và khử khuẩn) về phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, 6 trường hợp bắt buộc phải đeo khẩu trang gồm: Người có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19; tất cả trường hợp có mặt tại cơ sở y tế, nơi cách ly, nơi lưu trú có người đang cách ly hoặc đang theo dõi, giám sát y tế (trừ người cách ly ở phòng đơn; người bị suy hô hấp; người bệnh đang thực hiện thủ thuật y tế; trẻ dưới 5 tuổi).

Những người tham gia các phương tiện giao thông công cộng (gồm hành khách, người điều khiển, nhân viên phục vụ), người quản lý, lao động tại nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ khi tiếp xúc với hành khách; nhân viên phục vụ, quản lý, lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối; nhân viên phục vụ, quản lý, người lao động, người bán hàng khi tiếp xúc với khách hàng và người tham dự tại các cơ sở văn hóa, du lịch, những nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người cũng phải đeo khẩu trang. Việc đeo khẩu trang cũng được áp dụng tại những nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi giao dịch và đối với các nhân viên tiếp nhận hồ sơ, nhân viên giao dịch khi tiếp xúc với khách hàng…