Tầm soát ung thư định kỳ giúp phát hiện và điều trị kịp thời bệnh ung thư phổi. Ảnh minh họa.
Tác động từ khói thuốc lá
Thống kê mới nhất, tại nước ta, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới với hơn 26.000 ca, tỷ lệ tử vong gần 24.000 ca hàng năm ở cả 2 giới, chỉ sau ung thư gan.
Theo các chuyên gia y tế, trong các bệnh ung thư nói chung, ngoài yếu tố gen di truyền thì môi trường sống là yếu tố chính thúc đẩy hình thành tế bào ung thư. Đối với ung thư phổi, khói thuốc lá là nguyên nhân liên quan đến 85-90% số trường hợp và làm tăng nguy cơ ung thư phổi gấp 20-30 lần so với người không hút thuốc. Khói thuốc lá cũng liên quan đến các ung thư vùng đầu mặt cổ, ung thư thận, ung thư bàng quang, tử cung và thực quản. Ngoài ra, khói thuốc cũng góp phần làm tăng các bệnh lý tim mạch và hô hấp.
TS. BS Nguyễn Khắc Kiểm - Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện K lý giải: Trong khói thuốc lá có hơn 7.000 chất gây độc và có ít nhất 69 chất được biết tới có khả năng gây ung thư. Những người hút thuốc lá thường xuyên và trong thời gian dài, độc tố tích lũy gây đột biến gen dẫn đến hình thành khối u ác tính.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư phổi liên quan đến thuốc lá được định nghĩa là những người trên 50 tuổi và hút trên 20 bao thuốc/năm. Ví dụ, một người đàn ông 60 tuổi hút 20 điếu thuốc trong 1 ngày và hút thuốc trong vòng 30 năm, áp dụng công thức trên thì số bao thuốc/năm của người này sẽ là 30 và thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc ung thư phổi. Ở những bệnh nhân này, cho dù đã bỏ hút thuốc lá nhưng chưa đủ 15 năm thì vẫn cần phải sàng lọc bằng cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp hàng năm, để phát hiện những hình ảnh nghi ngờ ung thư phổi giúp chẩn đoán, điều trị sớm và là cơ hội để bệnh nhân ung thư phổi khỏi bệnh.
BS Kiểm cảnh báo, những người xung quanh thường xuyên phơi nhiễm với khói thuốc hay thường được gọi là hút thuốc lá thụ động cũng tăng đáng kể tỷ lệ mắc ung thư phổi so với những người không phơi nhiễm khói thuốc.
PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, Trung tâm vừa tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân (36 tuổi ở Hà Nội) đến khám bệnh trong tình trạng phổi kích thước lớn, kèm theo tổn thương di căn màng phổi, gan, não... Bệnh nhân cho biết, từ nhỏ đã ở cùng cậu ruột thường xuyên hút thuốc lá. Việc hút thuốc lá thụ động từ nhỏ khiến nữ bệnh nhân dù rất trẻ đã mắc ung thư phổi. Khi đến bệnh viện, thể trạng của bệnh nhân yếu, đau đớn khắp cơ thể. Ngoài ra, thường nữ giới mắc ung thư phổi mang đột biến gen, có thể điều trị trúng đích, còn với bệnh nhân này không mang gen đột biến, chỉ có thể áp dụng điều trị hóa trị, miễn dịch, nên tiên lượng rất nặng”.
Tỷ lệ ca mắc là nữ giới gia tăng
Đáng báo động hơn khi theo các chuyên gia, thực tế điều trị cho thấy tỷ lệ trẻ hóa trong ung thư phổi nhiều hơn, đặc biệt tình trạng nữ giới mắc bệnh có dấu hiệu gia tăng, trong khi với bệnh này lâu nay thường gặp ở nam giới.
“Trước đây, chúng tôi chỉ gặp bệnh nhân ung thư phổi trên 50 tuổi, là nam giới, thì nay, gặp cả ở những bệnh nhân dưới 40 tuổi, ở nữ giới” - PGS. TS Phan Cẩm Phương cho hay.
Đơn cử, Tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận trường hợp bệnh nhân nữ P.L.N., (25 tuổi, Hà Nội) nhập viện vì co giật. Khai thác bệnh sử cho thấy, bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, không hút thuốc lá, không có tiền sử bệnh gia đình. Trước khi nhập viện 2 ngày, bệnh nhân xuất hiện 1 cơn co giật toàn thân khoảng 3 phút sau đó tê yếu nửa người trái; bệnh nhân không sốt, đau ngực, khó thở, ho ra máu. Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân chụp cộng hưởng từ sọ não, phát hiện u não vùng thùy trán phải. Sau thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán xác định mắc ung thư phổi trái di căn não (giai đoạn IV).
Theo các chuyên gia y tế, ung thư phổi là tình trạng các tế bào ác tính xuất phát từ phổi. Đây là một căn bệnh nguy hiểm hàng đầu vì diễn tiến âm thầm và khó phát hiện, hầu hết người bệnh đều đến viện ở giai đoạn muộn, điều trị khó khăn kèm theo gánh nặng kinh tế.
PGS. TS. Phan Cẩm Phương cho biết, với ung thư phổi, nếu như tỷ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn sớm đạt 90% thì ở giai đoạn cuối tỷ lệ này chỉ còn dưới 10%. Mặc dù vậy, nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán, cũng như điều trị, bệnh ung thư phổi có thể được phát hiện ở giai đoạn sớm, gia tăng tỷ lệ điều trị khỏi cũng như kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ở giai đoạn muộn. Trước đây khoảng 10 năm, các bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn với các tổn thương như di căn xương, gan, não thường chỉ sống được hơn 6 tháng, ngày nay với những tiến bộ trong điều trị đã đem hiệu quả khá cao, dù nhiều trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, tổn thương di căn.