Những suất ăn như "phao cứu sinh"
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online từ sáng đến trưa 18-12 tại trước cổng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 2, đóng tại TP Thủ Đức), có khoảng 4-5 đoàn nhà hảo tâm ngoài bệnh viện đến phát các
Trong thời gian chờ kết quả tái khám, chị T. (mắc ung thư tuyến giáp giai đoạn 1, đã mổ) ngồi trên vỉa hè trước Bệnh viện Ung bướu TP.HCM ăn tạm một hộp bún xào gồm đậu hũ chiên, rau, hạt đậu phộng... - Ảnh: XUÂN MAI
Lần nào đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM điều trị hay tái khám ung thư tuyến giáp (giai đoạn 1), chị T. (47 tuổi, ngụ tỉnh An Giang) đều ăn suất ăn miễn phí từ các đoàn từ thiện phát tặng trước cổng bệnh viện.
Trưa 18-12, trong thời gian chờ kết quả tái khám, chị T. ngồi trên vỉa hè trước bệnh viện ăn tạm một hộp bún xào gồm đậu hũ chiên, rau, hạt đậu phộng... Cũng như ông L., chị T. rất trân quý những suất ăn miễn phí vì đã giúp tiết kiệm được khoản tiền ăn uống khi đến đây điều trị, tái khám.
"Bệnh nhân ở đây nhiều người khó khăn lắm nên cần có suất ăn miễn phí. Nếu không có những suất ăn miễn phí này, tiền chữa bệnh đã kẹt rồi còn lo thêm khoản ăn uống nữa thì bế tắc", chị L. tâm sự.
Làm sao thoát cảnh "không đủ cơ hội điều trị vì ăn tạm bợ qua bữa"?
Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Anh Tường - trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bệnh nhân ung thư ở nước ta thường quan tâm nhiều đến các phương pháp điều trị, nhưng không để tâm làm sao có đủ sức khỏe theo được các phương pháp điều trị.
Bệnh nhân dồn tài chính cho việc điều trị, và không dành ra một khoản nào đầu tư cho dinh dưỡng. Ngoài những trường hợp khó khăn, vẫn còn tình huống một số bệnh nhân đủ điều kiện nhưng vẫn nhận ăn những phần cơm chay từ thiện, hay mì gói... được phát miễn phí từ các nhà hảo tâm ngoài bệnh viện.
"Với chế độ ăn không được đầu tư, chăm sóc, ăn cho qua bữa thì bệnh nhân vốn chán ăn, khó nuốt, chuyện ăn kém là đương nhiên, dẫn đến suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng, không đủ cơ hội điều trị", bác sĩ Tường phân tích.
Tương tự, TS.BS Lâm Vĩnh Niên - trưởng khoa dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết hiện vẫn còn nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn phải ăn tạm bợ, ăn cho no trong thời gian điều trị tại bệnh viện mà chưa thể quan tâm nhiều về dinh dưỡng.
Do đó cần đưa một phần suất ăn bệnh nhân thông qua bảo hiểm y tế chi trả. Trong trường hợp không đủ khả năng bao phủ tất cả các bệnh nhân thì có thể chú ý đến chế độ ăn bệnh lý để hỗ trợ người bệnh, từ đó rút ngắn thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị.
"Về tổng thể, điều này cũng giúp giảm chi phí bảo hiểm xã hội. Nếu người bệnh ăn thức ăn bên ngoài, thức ăn đường phố thì mức độ an toàn thực phẩm thường không được đảm bảo. Họ có thể bị ngộ độc thực phẩm, dẫn đến rối loạn thể trạng và tác động trực tiếp quá trình điều trị", TS.BS Niên đánh giá.