Bệnh viện thiếu thuốc, bệnh nhân phải ra ngoài mua, BHYT có đền bù?

Thực tế khi đã thiếu thuốc và trang thiết bị, đã có tình trạng rất nhiều bệnh nhân đến bệnh viện phải tự đi mua thuốc, phải tự đi chụp chiếu ở các cơ sở tư nhân, phải tự đi mua vật tư y tế.

Ngày 31/5, nêu ý kiến tại thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn TP.HCM bày tỏ ý kiến về những bất cập ngành y tế.

Bệnh viện thiếu thuốc, bệnh nhân phải ra ngoài mua, BHYT có đền bù? - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn TP.HCM

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị Chính phủ, đặc biệt là Bộ Y tế có câu trả lời là đến chừng nào chúng ta sẽ bảo đảm được vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia khi đã có chỉ đạo rất quyết liệt từ Phó Thủ tướng trong việc Bộ Y tế phải lấy lại vai trò của mình và phải tiến hành đấu thầu hoặc đàm phán giá hay như thế nào đó chủ động, không được đùn đẩy trách nhiệm về địa phương chỉ vì lý do Bộ Tài chính chuyển nguồn.

“Trong quá trình đẩy qua, đẩy lại như thế này, người phải trả giá chính là trẻ em của chúng ta. Trách nhiệm cũng như hậu quả sẽ hết sức nặng nề nếu như các vaccine của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia chậm ngày nào là chết ngày đó. Đề nghị có trả lời rành rọt, dứt khoát về vấn đề này”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu rõ.

Theo đại biểu đoàn TP.HCM, trong thời gian vừa qua chúng ta đã bắt gặp rất nhiều vấn đề về lĩnh vực cung ứng trong ngành y tế, đỉnh điểm là sự thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế ở các cơ sở điều trị. Chính phủ đã vào cuộc rất quyết liệt thể hiện ở việc ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30.

“Tôi xin hỏi từ giai đoạn đó cho tới nay, ngành y tế đã có những sơ kết, tổng kết ban đầu để thấy được những cái nào có ích, những cái nào thực sự tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình mua sắm thuốc và trang thiết bị để có thể luật hóa, để chúng ta không rơi vào tình trạng năm nào cũng thiếu, không lẽ lúc nào Thủ tướng cũng phải ra nghị quyết. Tôi đề nghị cũng phải khẩn trương làm rõ vấn đề này”, nữ đại biểu bày tỏ.

Theo đại biểu, thực tế khi đã thiếu thuốc và trang thiết bị, chúng ta đã có tình trạng rất nhiều bệnh nhân đến bệnh viện phải tự đi mua thuốc, phải tự đi chụp chiếu ở các cơ sở tư nhân, phải tự đi mua vật tư y tế.

“Tôi xin hỏi vai trò của bảo hiểm y tế trong việc đền bù những chi phí này. Bởi vì đây là quyền lợi chính đáng của người nộp bảo hiểm y tế. Đó là 3 vấn đề mà tôi đề nghị chúng ta phải hết sức tập trung và có câu trả lời chính thức”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan kiến nghị.

Hướng dẫn tự chủ trong y tế

Còn theo đại biểu Trần Khánh Thu, đoàn Thái Bình, việc chậm giải quyết các công việc, thủ tục hành chính đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị. Nếu tình trạng kéo dài sẽ làm giảm hiệu lực quản lý của nhà nước, giảm lòng tin của nhân dân.

Bệnh viện thiếu thuốc, bệnh nhân phải ra ngoài mua, BHYT có đền bù? - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Khánh Thu, đoàn Thái Bình

Điều này được hiện hữu trong các cơ sở y tế hiện nay, trong khi thực hiện tự chủ hoạt động tài chính nhưng hành lang pháp lý cho cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập y tế còn chưa hoàn thiện, chưa có quy định cụ thể và đầy đủ để cho các đơn vị y tế yên tâm để thực hiện tự chủ.

“Các bệnh viện công lập vận hành theo cơ chế tự chủ nhưng hoạt động thì vẫn theo quy định chung của đơn vị sự nghiệp công lập dẫn đến các vướng mắc ngay trong quá trình tổ chức để thực hiện. Tự chủ nhưng không có cơ chế, phương thức, không đủ nguồn lực để huy động, để chủ động phát huy năng lực chuyên môn. Thậm chí, một số bệnh viện công ngay cả khi có nguồn thu rồi cũng không biết sử dụng thế nào cho đúng”, đại biểu đoàn Thái Bình nêu rõ.

“Hiện nay, chưa có quy định chi tiết về danh mục thực hiện mua sắm thường xuyên hay danh mục đầu tư công. Ngành y tế là ngành đặc thù với rất nhiều các danh mục trang thiết bị y tế và danh mục mua sắm thiết bị y tế chuyên dùng khác nhau, do vậy việc xác định các danh mục thực hiện đầu tư công và danh mục mua sắm thường xuyên chưa được rõ ràng. Các quy định về nguồn vốn, kinh phí từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư công và mua sắm thường xuyên cũng chưa được thống nhất”, đại biểu Trần Khánh Thu cho hay.

Do vậy, các đơn vị y tế gặp khó khăn trong việc xây dựng, hoàn thiện kế hoạch mua sắm thường xuyên và kế hoạch đầu tư công ngắn hạn, trung hạn sử dụng nguồn vốn từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Chính vì vậy, kể cả khi nguồn lực tài chính của đơn vị có thực hiện để chi trả người lao động cũng không giống nhau, không tạo ra được thúc đẩy cho cán bộ có trình độ và không có chính sách để thu hút được nhân lực có chuyên môn giỏi.

“Tôi kiến nghị Quốc hội giao cho Chính phủ chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn các quy định rõ ràng của tự chủ trong y tế”, nữ đại biểu nêu ý kiến.

“Bài toán đặt ra ở đây là cơ sở y tế đã đủ điều kiện để thực hiện tự chủ thì cho phép tự chủ hay giao cho họ tự chủ rồi thì mới hoạt động theo phương án tự chủ hiện nay. Theo tôi cần phân định rõ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao. Đối với các hoạt động, nhiệm vụ thiết yếu để chăm sóc sức khỏe nhân dân thì Nhà nước vẫn cần phải đảm bảo kinh phí, chứ không làm sai lệch đi bản chất của tự chủ là chỉ cắt ngân sách khi phân bổ về cho các đơn vị”, đại biểu Trần Khánh Thu nêu ý kiến./.