Trả lời VnExpress bên lề sự kiện Phương pháp sống khoẻ đến từ Nhật Bản, cuối tuần qua, giáo sư Yuko Matsuya, Viện trưởng Nghiên cứu Y khoa thẩm mỹ Nhật Bản, cho biết như trên và thêm rằng bản thân bà cũng không ăn uống vô độ trong mỗi bữa.
"Không ăn quá no, cho dù ngon miệng cũng chỉ ăn 80% khả năng nhằm giảm tải cho hệ tiêu hóa", giáo sư nói.
Bà cho rằng ở đất nước nào cũng có người chăm chỉ tập luyện, có người không thích vận động. Bà là người không thích tập luyện nên chọn phương pháp fasting (nhịn ăn gián đoạn) để giảm cân duy trì vóc dáng, sức khỏe. Phương pháp này nhiều người Nhật cũng áp dụng hiệu quả.
"Rõ ràng tập thể dục vận động thật tốt, song không phải ai cũng thực hiện được, mỗi người có cách chăm sóc sức khỏe phù hợp với bản thân", bà nói.
Nhịn ăn gián đoạn (Intermittent fasting) nhằm mục đích cho cơ thể có đủ thời gian tiêu hóa thực phẩm nạp vào, sau đó buộc phải đốt cháy mỡ thừa làm năng lượng, giảm cân, giảm mỡ. Nhịn ăn gián đoạn có nhiều biến thể, phương pháp giáo sư Yuko áp dụng là chương trình 7 ngày detox, để cơ thể dẻo dai và làn da đẹp.
Phương pháp này thực hiện trong 7 ngày, chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là chuẩn bị trong hai ngày. Mỗi buổi sáng bà uống enzyme tăng cường dinh dưỡng và 500 ml nước, trưa và tối dùng bữa ăn Sakihakuyamanaika (cá, nấm, đồ lên men, hoa quả, rau, các loại đậu, hạt, khoai và tảo biển).
Giai đoạn thứ hai rất quan trọng, nhịn ăn hoàn toàn trong vòng ba ngày. Bữa sáng bà vẫn uống enzyme tăng cường dinh dưỡng, trưa uống nước lọc sao cho bổ sung đủ hai lít nước mỗi ngày, tối dùng loại trà chứa enzyme tiêu hóa. Hai ngày cuối cùng là thời gian hồi phục, buổi sáng vẫn giống như hai ngày đầu, buổi trưa ăn cháo loãng và canh miso, buổi tối dùng bữa ăn Sakihakuyamanaika.
"Cơ thể có cơ chế tự phục hồi, phương pháp fasting kích thích cơ chế này, giúp cơ thể trẻ lại. Một năm có thể fasting 4 lần", giáo sư Yuko nói.
Bà khuyến cáo không lạm dụng fasting quá sức, nếu cảm thấy không khỏe trong quá trình thực hiện, hãy dừng lại. Không khuyến khích thực hiện khi phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt vì nó có thể phá vỡ sự cân bằng hormone.
Người Nhật không chỉ sống khỏe, mà còn sống rất thọ, 90 tuổi là con số bình thường. Như bố của giáo sư Yuko đã 93 tuổi còn mẹ khỏe mạnh ở tuổi 88. Theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2022, quốc gia có tuổi thọ cao nhất là Nhật Bản với 84,3 tuổi. Thụy Sĩ đứng thứ hai với 83,4 tuổi, kém một năm so với Nhật Bản.
Theo bà Yuko, chế độ ăn uống của người Nhật chủ yếu là đồ ăn lên men. Các loại thực phẩm này đã phổ biến từ rất lâu, trước khi giới khoa học phát hiện tầm quan trọng của sức khỏe đường ruột. Công thức điển hình trong bữa cơm gồm một bát cơm, cá hoặc thịt, rau củ quả và một món lên men.
Theo giáo sư, những người Nhật sống thọ là người rất hay ăn món lên men truyền thống. "Món lên men giúp cơ thể hấp thụ thức ăn được tốt hơn. Nếu ăn mà không hấp thụ thì chỉ là thao tác nghiền nát thức ăn và tống ra khỏi cơ thể", bà giải thích và so sánh dưa chua hay cà muối ở Việt Nam không phải là món ăn lên men mà chỉ là món muối xổi, làm chua.
Người Nhật cũng uống canh miso (một loại tương lên men từ đậu nành) mỗi ngày. "Canh miso giúp hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt", bà nói.
Ngoài bí quyết ăn uống, người Nhật thường tắm bồn, ngâm cơ thể trong nước ấm với nhiệt độ vừa đủ. Cách tắm này giúp máu lưu thông tốt, lỗ chân lông giãn nở, đào thải chất bẩn trong cơ thể. Ngâm mình trong nước nóng sẽ làm ấm cơ thể tận bên trong, xua tan mệt mỏi, tinh thần thư thái.
"Tắm bằng vòi nước nóng chỉ là cách gột rửa bụi bẩn ở vùng da, còn tắm bồn giúp nhiệt độ cơ thể tăng dần sâu bên trong cơ thể, dòng máu lưu thông tốt hơn. Làm ấm cơ thể cũng là một cách chữa bệnh", bà giải thích.
Đặc biệt, người Nhật khám sức khỏe thường xuyên, có thể phát hiện ung thư và các bệnh khác trong giai đoạn đầu.