Bố mất do bệnh tật khiến chị Minh Trang, 31 tuổi, ngụ tại TP HCM luôn ám ảnh việc kiểm soát sức khỏe của gia đình, nhất là vấn đề thực phẩm. Tìm hiểu qua sách báo, chị biết được các tác nhân gây bệnh tim mạch phần nhiều do nạp vào cơ thể nhiều chất béo no và cholesterol có trong đạm động vật. Là đầu bếp của cả nhà, Trang đề nghị gia đình nên hạn chế ăn ngoài, tuân thủ khẩu phần ăn mới là "tăng rau, giảm thịt", giảm nạp đạm động vật và tăng lượng đạm thực vật cho bữa ăn.
Nếu như chị Trang lo lắng về các bệnh tim mạch do ăn uống thì Lê Nhung, mới 22 tuổi đã bị chứng béo phì khiến cô nàng mất hẳn tự tin. Trao đổi với bác sĩ, Lê Nhung hiểu ra thói quen thích ăn nhiều đồ chiên rán, tụ tập bạn bè ăn buffet, ăn quá nhiều đạm động vật, đồ ăn nhiều muối, nhiều gia vị giúp ngon miệng đang khiến Nhung nặng hơn 70kg và còn kèm theo cả bệnh cao huyết áp. Được bác sĩ tư vấn, Nhung đang đặt chỉ tiêu phải giảm 10kg bằng cách theo đuổi chế độ ăn thay đạm động vật bằng thực vật.
Lo lắng về bệnh tật là một trong những lí do khiến nhiều người chuyển sang chế độ ăn thực vật hoặc giảm thịt động vật, tăng cường rau củ hạt, trái cây... Tuy nhiên việc chuyển sang một chế độ ăn uống mới đòi hỏi mỗi người phải lắng nghe cơ thể của chính mình, tham khảo ý kiến chuyên gia, bác sĩ để điều chỉnh chế độ ăn phù hợp.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh, Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết những người có chế độ ăn nhiều thịt động vật thường đưa vào cơ thể nhiều chất béo no và cholesterol là các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, đái tháo đường, béo phì... Trong khi đó, chế độ ăn thiên về thực vật sẽ hạn chế đưa cholesterol vào cơ thể, tăng các chất chống oxy hóa, nhiều chất xơ nên sẽ giảm nguy cơ các bệnh mạn tính.
Tuy nhiên, nhiều người khi chuyển qua dinh dưỡng thực vật nhận thấy cơ thể mau đói nên e ngại không đủ dinh dưỡng. Bác sĩ lý giải, nguyên nhân chính là do thức ăn có nguồn gốc thực vật dễ tiêu hóa hơn. Mặt khác, một số người do chưa biết chế biến đa dạng các loại thực phẩm, cứ lặp đi lặp lại vài món đơn giản có thể khiến cơ thể thiếu hụt đạm, hoặc những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Tiến sĩ, bác sĩ Đào Thị Yến Phi, giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM cũng cho rằng cả hai thói quen ăn uống thiếu kiểm soát hoặc áp dụng các chế độ ăn cực đoan đều có thể ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.
"Một chế độ ăn tốt là một chế độ ăn đa dạng, ‘gì cũng ăn’ nhưng không ăn gì quá nhiều, sử dụng thực phẩm tươi, thực phẩm có nguồn gốc tốt, chế biến an toàn... luôn luôn có lợi hơn một chế độ ăn kiêng khem quá mức hay ăn thả cửa", bác sĩ Yến Phi nhấn mạnh.
Các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyên mỗi người, mỗi gia đình nên tuân theo một chế độ ăn lành mạnh dựa trên khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO).
"Mỗi chế độ ăn đều có những lợi điểm riêng. Chế độ ăn cần cân bằng, đa dạng có cả đạm động vật và thực vật với tỷ lệ nên là 50:50 đối với người trưởng thành. Với trẻ nhỏ, tỷ lệ đạm động vật sẽ cao hơn thực vật", bác sĩ Yến Phi cho biết.
Ngoài ra, để giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, ung thư..., các chuyên gia cho biết không nhất thiết phải ăn thuần thực vật. Trường hợp muốn chuyển sang chế độ ăn thuần thực vật thì cần thay đổi từ từ để cơ thể thích nghi. Khởi đầu có thể cắt bớt thịt và thay bằng các loại đậu, đặc biệt là đậu nành (sữa đậu nành, đậu hũ...), vẫn nên ăn trứng để cung cấp đủ đạm cho cơ thể.
Với những ai muốn theo đuổi chế độ ăn thực vật, sữa đậu nành là một thực phẩm đáng để thêm vào trong các bữa chính lẫn bữa phụ. Đậu nành tự nhiên thường rất giàu protein và có chứa hầu hết các axit amin thiết yếu mà cơ thể cần đến. Hơn nữa, đậu nành cũng cung cấp nhiều chất béo thực vật, chất xơ, một số loại vitamin, khoáng chất và các hợp chất có lợi khác. Quỹ Alpro khuyến cáo mỗi người cần 25-50g đậu nành mỗi ngày, tương ứng với 200-400ml sữa đậu nành để được cung cấp 8-15g đạm. Và nếu bận rộn, bạn chỉ cần bổ sung 2 hộp sữa đậu nành Fami mỗi ngày để có được nguồn đạm lành mạnh cho cơ thể.
Kim Anh