Vải đầu mùa thường bắt đầu từ tháng 6 dương lịch hàng năm. Theo sách thuốc cổ có ghi, việc thường xuyên ăn vải sẽ bổ não, ích trí, khai vị, lợi tỳ, rất tốt cho người mới ốm dậy, suy nhược, gầy yếu; dưỡng da làm đẹp nhan sắc, chữa được nhiều bệnh…
Theo một quan điểm khác cho rằng ăn nhiều vải sẽ dễ bị ngộ độc, biểu hiện như: đau rát lưỡi họng, nghiêm trọng hơn là có thể dẫn đến buồn nôn, hoa mắt chóng mặt hay chân tay mỏi rã rời... Tuy nhiên, theo giáo sư Đỗ Tất Lợi, thực tế những triệu chứng này gây ra không phải do bản thân quả vải mà là do một loại nấm độc Candida tropicalis thường thấy ở núm những quả vải chín quá, dập nát, ủng thối. Hàm lượng đường, pH, axit trong quả vải là môi trường cần thiết cho nấm phát triển. Vì vậy muốn tránh hiện tường này cần tuyệt đối không ăn những quả có dấu hiệu hư, hỏng.
Một điều quan trọng nữa khiến nhiều người vẫn còn e dè với loại quả này đó là tính nóng, khi ăn xong nhiều người xuất hiện hiện tượng nóng, ngứa, phát ban… Để khắc phục tình trạng này, theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trước khi ăn vải nên uống một chút nước muối sẽ giảm tối đa nguy cơ nóng trong, phát ban do nhiệt.
Ngoài nước muối, sau khi ăn vải bạn có thể uống nước đỗ đen, nước đỗ xanh, nước canh bí đao... những thực phẩm này có thể giúp giảm nóng hiệu quả, tránh cảm giác nôn nao, chống chếnh sau khi ăn vải xong. Tuy nhiên, những loại nước này không có tác dụng chữa dứt điểm cơn nóng do ăn vải gây ra mà nó chỉ giảm nóng ở mức độ nhất định. "Nếu một người ăn quá nhiều vải rồi uống nước đậu đen để giải nóng thì e rằng hiệu quả không được như mong đợi", chuyên gia Bùi Hồng Minh chia sẻ.
Không ăn quá nhiều
Cách tốt nhất để chấm dứt tình trạng nóng sau khi ăn vải vẫn là ăn với số lượng vừa phải. Không ăn vải quá nhiều một lúc, nhất là đối với phụ nữ mang thai, không nên ăn quá 10 quả/lần. Ăn nhiều sẽ khiến gan sinh hỏa, đau rát lưỡi họng, thậm chí nghiêm trọng hơn còn có thể dẫn đến buồn nôn, hoa mắt chóng mặt hay chân tay mỏi rã rời…
Đới với trẻ em, chỉ nên ăn 3-4 quả 1 lần. Nếu ăn cần có sự theo dõi chặt chẽ của người lớn vì đã có nhiều trường hợp hóc vải, thậm chí mất mạng vì vải. Ngoài mẹo chỉ ăn quả lành lặn, loại bỏ quả sâu đầu, dập nát.
Không ăn khi đói
Ăn vải tươi khi đói sẽ khiến trong cơ thể đột ngột bị ngấm quá nhiều đường có thể gây say với các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, chân tay bủn rủn.
Cách tốt nhất chỉ nên ăn vải sau bữa cơm, lúc này trong cơ thể đã tích trữ đủ lượng nước muối qua thức ăn nên ăn cũng không lo bị nóng.
Không ăn khi muốn giảm cân
Theo kinh nghiệm thì vải là loại quả ngọt, ăn vào giúp cho dung nhan đẹp hơn. Tuy nhiên, không nên vì thế mà chị em ăn vải một cách thoải mái, "vô tội vạ" bởi quả vải có hàm lượng đường rất cao, không tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường cũng như chứng thừa cân.
Bên cạnh đó, vải còn có tính nóng nên bà bầu cần hạn chế, không nên bổ sung quá nhiều vào cơ thể.
Không ăn khi cơ thể nhiệt
Vải thiều là loại hoa quả nổi tiếng có tính nóng. Khi cơ thể bị nóng trong, ăn vải thiều sẽ khiến mụn hay những vết ban đỏ xuất hiện. Ngoài ra, những người có các bệnh dễ nhiễm cảm, người đang mắc bệnh có đờm, người đang bị thủy đậu, mụn nhọt, rôm sảy, chắp lẹo mắt … cũng nên hạn chế mức tối đa việc ăn nhiều.
Lưu ý: Khi bóc vải ra, ta thấy nó có một lớp màng trắng. Nếu không muốn bị nóng, hãy ăn luôn cả lớp màng trắng này và phần trắng trên đầu hạt vải, mặc dù có vị hơi chát nhưng nó có tác dụng phòng nóng trong.