Mới đây, Bệnh viện K tiếp nhận điều trị một số người bệnh mắc ung thư hắc tố. Điển hình như trường hợp bệnh nhân nữ 50 tuổi, đã mổ u hắc tố gót chân phải cách đây 2 tháng tại bệnh viện tỉnh (cắt tiệm cận u).
Gần đây bệnh nhân xuất hiện nổi hạch bẹn phải nên tới Bệnh viện K khám và điều trị. Sau khi thăm khám, thực hiện các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư hắc tố di căn hạch bẹn.
Phương án điều trị được các bác sĩ Khoa Ngoại cơ xương khớp, Bệnh viện K đưa ra cho người bệnh đó là điều trị phẫu thuật vét hạch bẹn phải, cắt rộng u tạo hình vạt gan chân trong.
Sau phẫu thuật 1 tuần, hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định. Kết quả sau mổ cho thấy tổn thương gót chân ung thư hắc tố T3N2M0 (2 hạch di căn), bệnh nhân tiếp tục được điều trị miễn dịch và theo dõi sau khi ra viện.
Ung thư hắc tố là bệnh ung thư có nguồn gốc từ tế bào hắc tố (melanocyte), tế bào quyết định màu sắc da. Tế bào hắc tố có chủ yếu ở da, tuy nhiên có thể tìm thấy ở ruột, mắt… vì vậy u hắc tố có thể xuất phát ở bất kỳ vùng cơ thể nào của cơ thể.
Ảnh: Bệnh viện K.
Việc phát hiện bệnh sớm sẽ tăng hiệu quả điều trị và cải thiện tiên lượng bệnh. Ngược lại, nếu phát hiện muộn khi bệnh đã có di căn xa thì quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn tốn kém, hiệu quả không như mong đợi.
Hiện nay, tỷ lệ mắc căn bệnh này có xu hướng tăng, ung thư hắc tố là dạng ung thư da nguy hiểm nhất, năm 2016, có 76.380 ca ung thư hắc tố mới xuất hiện ở Mỹ, với 10.130 ca tử vong. Thống kê một số nước cho thấy tần số tăng gấp đôi sau 10-15 năm và tăng dần theo tuổi. Tỷ lệ mắc cao nhất được ghi nhận tại Úc 40/100.000 dân, tại Mỹ: 12/100.000 dân và ở Việt Nam: 0,4/100.000 dân.
Yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc ung thư hắc tố
Tuổi càng cao tỷ lệ mắc bệnh càng cao.
Người da trắng nguy cơ cao gấp hàng chục lần người da đen, người tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Do các yếu tố di truyền: Gia đình có người bị bệnh, hội chứng nốt ruồi gia đình.
Do bệnh lý da có sẵn: Da vẩy sừng hóa, tổn thương sắc tố bẩm sinh, nốt ruồi loạn sản…
Tỷ lệ mắc bệnh theo giới nam/ nữ: 1,2/1.
70% bệnh xuất hiện trên các nốt ruồi bẩm sinh thường gặp ở các vùng da bị tỳ đè, cọ sát. Ảnh minh họa.
Triệu chứng ung thư hắc tố
70% bệnh xuất hiện trên các nốt ruồi bẩm sinh thường gặp ở các vùng da bị tỳ đè, cọ sát.
U thường xuất hiện thành cục hoặc thành nấm, ít khi là mặt phẳng.
Màu đen nhánh có khi đỏ.
Hạch: Ung thư hắc tố hay di căn hạch, hạch thành chùm chèn ép gây đau.
Phổi, gan, não là các cơ quan hay bị di căn.
Điều trị ung thư hắc tố
Cũng như các bệnh ung thư thường gặp khác, phẫu thuật đóng vai trò chủ chốt điều trị ung thư hắc tố giai đoạn sớm, ở giai đoạn muộn phẫu thuật mang tính chất điều trị triệu chứng.
Hoá chất thường áp dụng với với ung thư hắc tố tiến triển di căn xa không thể kiểm soát được bằng phẫu thuật. Từ ngày có liệu pháp miễn dịch ra đời, hóa chất ít còn được sử dụng.
Sau điều trị, với ung thư giai đoạn tại chỗ bệnh nhân được theo dõi định kỳ mỗi năm. Với tổn thương < 1mm bề dày tái khám mỗi 6 tháng trong 2 năm đầu sau đó định kỳ mỗi năm một lần. Với tổn thương 1-4 mm bề dày tái khám 4 tháng/lần trong ba năm đầu, sau đó định kỳ 6 tháng 1 lần. Với tổn thương > 4mm bề dày tái khám 3 tháng/lần trong 3 năm đầu.
Phòng ngừa ung thư hắc tố có thể áp dụng một số biện pháp:
Hạn chế và có biện pháp tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
Khám chuyên khoa với những trường hợp phát hiện tổn thương nghi ngờ hoặc có tiền sử gia đình có người mắc ung thư hắc tố.
Thường xuyên theo dõi và tự khám da toàn thân.
Để phát hiện sớm căn bệnh này nên chú ý quan tâm tới các vùng cơ thể, đặc biệt là các vùng da hở, chú ý tới sự thay đổi kích thước màu sắc, hình dạng của nốt ruồi. Khi có triệu chứng nghi ngờ hãy lựa chọn cơ sở y tế uy tín để thăm khám, điều trị.