Ngày 27-4, Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa các y, bác sĩ và hàng chục gia đình các trường hợp chào đời bằng phương pháp này
Tại buổi gặp gỡ, chị Lưu Tuyết Trân (25 tuổi, ngụ Tiền Giang) - một trong 3 trường hợp chào đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm đầu tiên - cho biết luôn cảm thấy tự hào vì bản thân được xem là một trong những "chứng nhân lịch sử" khi được chào đời bằng phương pháp này.
Chị Lưu Tuyết Trân - một trong 3 trường hợp chào đời đầu tiên bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ - vui mừng khi được gặp lại bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan
"Thời điểm kỷ niệm 20 năm, em cũng được gặp lại các bạn cùng hoàn cảnh như mình, gặp được ân nhân đưa em đến thế giới này. Mỗi lần kỷ niệm là dịp để em cùng mọi người được hội ngộ. Em cũng mong rằng những cặp vợ chồng hiếm muộn luôn giữ vững niềm tin vào các y bác sĩ, rồi hạnh phúc sẽ đến" – Trân thổ lộ.
Lưu Tuyết Trân và Mai Quốc Bảo vui mừng khi gặp lại người đã "đưa" họ đến thế giới này.
Bà Trần Thị Bạch Tuyết (58 tuổi, ngụ Tiền Giang), mẹ của Tuyết Trân, cũng bày tỏ niềm vui khi được gặp lại những ân nhân của mình. Bà bộc bạch: "Tôi chỉ mong con mình ăn học thành tài, có ích cho xã hội".
Từ 22 giờ đêm qua, ba mẹ con chị Nguyễn Thị Thu Hiền (37 tuổi, ngụ Khánh Hòa) đi tàu từ Nha Trang đến TP HCM để kịp dự lễ. Hai bé trai Gia Khang - Gia Hưng (7 tuổi) lớn lên khỏe mạnh là niềm hạnh phúc khó diễn tả bằng lời với gia đình chị Hiền. Chị Hiền cho biết cảm thấy may mắn khi 2 con chào đời là trường hợp song sinh đầu tiên mang thai hộ tại Việt Nam.
3 mẹ con chị Nguyễn Thị Thu Hiền đi từ đêm 26-4 từ Nha Trang vào TP HCM để kịp dự buổi lễ
"Tôi bị bất sản một phần âm đạo, bị dị tật bẩm sinh không có tử cung, không có kinh nguyệt. Những tưởng mình sẽ không thể làm mẹ nhưng may mắn tôi được gặp các y, bác sĩ tận tâm, giỏi nghề. Do đó, khi pháp luật cho phép, vợ chồng tôi đã nhờ người trong gia đình mang thai hộ. Từ lúc chuyển phôi đến khi con chào đời, tất cả mọi thứ đều thuận lợi. Mong rằng các cặp vợ chồng hiếm muộn sẽ tìm được con" - chị Hiền trải lòng.
2 bé Gia Khang (phải) và Gia Hưng (trái), con trai chị Nguyễn Thị Thu Hiền, là cặp song sinh mang thai hộ đầu tiên tại Việt Nam
Hai chị em Đỗ Song Mai Hạnh - Đỗ Song Hồng Phúc (20 tuổi) cũng có cảm giác vinh hạnh, bồi hồi, vui mừng khi được gặp gỡ những anh chị em cùng hoàn cảnh như mình. Mai Hạnh chia sẻ: "Được trở lại nơi em chào đời cách đây 20 năm, cảm xúc của em thật khó diễn tả. Em gửi lời cảm ơn đến các y, bác sĩ khi đã trao cơ hội cho em chào đời để được học tập, cống hiến"
3 mẹ con Mai Hạnh - Hồng Phúc cũng vui mừng khi được gặp lại các y, bác sĩ đã trao cơ hội chào đời cho mình.
Mai Hạnh đang là sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, còn em trai Hồng Phúc là sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.
Nhớ lại những ngày đầu khi đưa kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm về Việt Nam, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết trong quá trình làm nghề, bà tiếp xúc nhiều phụ nữ hiếm muộn do tắc vòi trứng, không thể mang thai tự nhiên. Do đó, bà và đồng nghiệp luôn mong mỏi sẽ giải quyết tình trạng này.
GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (ngồi bên phải) chụp hình lưu niệm cùng các gia đình có trẻ thụ tinh ống nghiệm
"Khi biết thế giới có thụ tinh ống nghiệm, chúng tôi cố gắng thành lập Khoa Hỗ trợ sinh sản, Phòng Thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ. Thời điểm đó, cả nước khó khăn, ăn còn thiếu, kinh tế lại kém nên không nhiều người ủng hộ. Không được cấp tiền, chúng tôi tự bỏ tiền, vận động thêm nhà hảo tâm để mua sắm trang thiết bị, dụng cụ. Nhiều người cho rằng "bà này chắc khùng rồi, đang thiếu ăn lại muốn làm ra thêm người". Lúc đó vật chất đã khó, tinh thần càng khó hơn" - bác sĩ Phượng nhớ lại.
Thời điểm chào đón 3 em bé đầu tiên chào đời là niềm vui không chỉ của gia đình mà còn của cả các y, bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ. "Tôi nhớ mãi hình ảnh anh Lưu Tấn Trực, cha của Lưu Tuyết Trân, chắp tay xá khi con vừa chào đời. Anh nói gần 50 tuổi đầu mới có đứa con thế này. Bao nhiêu năm qua đi, hình ảnh đó tôi vẫn không quên" – bác sĩ Phượng xúc động.
BS CK2 Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Từ Dũ, cho biết 25 năm trước, ông rất tự hào khi là một trong những bác sĩ vinh dự được chào đón những em bé đầu tiên ra đời từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. "Hôm nay gặp lại những đứa trẻ ấy, tôi vẫn rất bồi hồi và xúc động" – bác sĩ Hải bày tỏ.
Từ khi thành lập Khoa Hiếm muộn đến nay, Bệnh viện Từ Dũ đã chào đón hơn 16.300 em bé thụ tinh trong ống nghiệm ra đời
Theo bác sĩ Hải, Bệnh viện Từ Dũ đang ứng dụng các công nghệ hỗ trợ sinh sản mới nhất của thế giới như: kỹ thuật bơm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI); kỹ thuật MESA-ICSI (lấy tinh trùng từ phẫu thuật mào tinh); PESA-ICSI (chọc hút tinh trùng từ mào tinh); TESE-ICSI (phẫu thuật trích tinh trùng từ tinh hoàn); kỹ thuật giảm thai, nuôi phôi, trữ phôi nhanh, trưởng thành trứng non trong ống nghiệm (IVM); kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng bằng laser (LAH); chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD); mang thai hộ và bảo tồn khả năng sinh sản với trữ giao tử hoặc trữ mô buồng trứng.
Bác sĩ Hải cho biết từ khi thành lập Khoa Hiếm muộn đến nay, Bệnh viện Từ Dũ đã chào đón hơn 16.300 em bé thụ tinh trong ống nghiệm ra đời. Số lượt khám hiếm muộn mỗi năm dao động trong khoảng 55.000-60.000. Tổng số ca bơm tinh trùng vào buồng tử cung IUI trong 10 năm gần đây là hơn 22.000; số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm là hơn 23.000; t lệ thai lâm sàng thụ tinh trong ống nghiệm lên đến hơn 45%.