Ngày 14-3,
Cứu thai phụ mắc bệnh hiếm, hơn 100 năm thế giới ghi nhận 156 ca
Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) vừa phối hợp cứu sống thai phụ mắc bệnh hiếm gặp hơn 100 năm qua, thế giới ghi nhận chỉ 156 ca.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đang thăm khám cho thai phụ T. sau phẫu thuật - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Trần Vũ Đức - khoa ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết sau một tháng, bệnh nhân đã ăn uống tốt, đi tiêu tốt, không đau bụng, các vết mổ đã cắt chỉ và lành tốt. Riêng em bé cũng khỏe mạnh, bú sữa bình tốt và lên cân đều...
Bác sĩ Đức chia sẻ đây là trường hợp đầu tiên gặp tại bệnh viện. Chính vì vậy, trong quá trình hội chẩn, ê kíp đã rất đắn đo vì các khối thoát vị này nếu để lâu thì khả năng hoại tử sẽ rất cao, gây ảnh hưởng và rất khó để cứu được người mẹ.
Ngược lại nếu phẫu thuật ngay để cứu sống người mẹ thì sẽ khó giữ được thai nhi. Vì vậy, sau khi hội chẩn khẩn đa chuyên khoa và Bệnh viện Hùng Vương đã đưa ra phương án tốt nhất cũng như dự phòng các tình huống có thể xảy ra.
Vì vậy, khi các tình huống xảy ra, ê kíp đã có sự chuẩn bị nên việc cứu sống được cả mẹ lẫn con cũng là sự may mắn, nỗ lực của ê kíp 2 bệnh viện.
Hơn 100 năm thế giới ghi nhận chỉ 156 thai phụ bị thoát vị hoành nghẹt
PGS Lâm Việt Trung - phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết thoát vị hoành nghẹt thường gặp ở người bình thường, tuy nhiên tỉ lệ ở thai phụ rất hiếm gặp do bẩm sinh. Theo ghi nhận của y văn, hơn 100 năm qua thế giới chỉ ghi nhận 156 thai phụ.
Việc chẩn đoán thoát vị hành ở thai phụ không phải là dễ dàng (theo thống kê, tỉ lệ chẩn đoán sai lên đến 40%), rất nhiều cơ sở y tế không nghĩ tới.
Với kinh nghiệm từng gặp nhiều trường hợp thoát vị ở người trưởng thành trước đó cùng với kết quả chụp CT, các bác sĩ bệnh viện mới phát hiện thai phụ bị thoát vị hoành.
PGS Việt Trung cũng cho biết thêm trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ đã đặt lưới chống dính, hy vọng nếu bệnh nhân mang thai trong lần sắp tới sẽ không mắc phải tình trạng này.