Quốc hội Đức đã thông qua Luật Thực thi mạng quản lý các mạng xã hội. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trước câu hỏi của một đại diện diễn đàn mạng xã hội phản ánh thực trạng về mức xử phạt việc tung tin giả trên mạng xã hội như hiện nay, một số người nổi tiếng, nghệ sĩ chấp nhận đăng tin sai sự thật và bị xử phạt để có nhiều người xem hơn bởi số tiền thu về cao hơn rất nhiều mức xử phạt.
Về vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông - TTTT) cho biết, đúng là mức xử phạt đối với hành vi tung tin giả ở Việt Nam hiện nay từ 10 - 15 triệu đồng đang thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, so với Singapore, Việt Nam thấp hơn khoảng 10 lần, so với Malaysia và Thái Lan thấp hơn 4 lần.
"Cái khó là chúng ta không thể nâng mức xử phạt đối với hành vi tung tin giả lên mức quá cao bởi mức xử phạt này nằm trong nghị định xử phạt hành chính chung của các vấn đề xử phạt hành chính khác", ông Lê Quang Tự Do cho biết.
Về mức xử phạt, Bộ Thông tin Truyền thông đã 2 lần sửa Nghị định và xử phạt về tin giả, tin sai sự thật. Mức xử phạt như hiện nay cũng là mức nặng nhưng đúng như phản ánh, trên không gian mạng họ kiếm lời từ tung tin giả. Do đó, Bộ TTTT triển khai các giải pháp khác ngăn chặn tin giả, tin sai sự thật. Đó là ngăn chặn dòng tiền quảng cáo hoặc là PR trá hình ở trang cá nhân kiếm lợi từ tung tin giả.
Tiếp đó là ngăn chặn tài khoản đó, điển hình mới đây là chặn tài khoản Nờ Ô Nô trên tiktok.
Giải pháp nữa mà Bộ TTTT đang nghiên cứu, chưa triển khai chính thức là phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có quy trình hạn chế hình ảnh những người nổi tiếng, nghệ sĩ trên không gian mạng, sóng truyền hình, báo chí và cả sân khấu biểu diễn để xử lý việc lợi dụng scandan để nổi tiếng, kiếm tiền.