Đau âm ỉ vùng hạ sườn phải, đi khám phát hiện đã mắc ung thư

Người đàn ông 64 tuổi đau mạn sườn bên phải trước khi vào viện 1 tháng, khi đi khám phát hiện mắc ung thư gan.

Bệnh viện Bạch Mai vừa điều trị cho một trường hợp mắc ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát. Cụ thể, trường hợp bệnh nhân Đ. H. K (64 tuổi), trước khi vào viện 1 tháng, bệnh nhân đau bụng âm ỉ vùng hạ sườn phải, không nôn, không sốt, không vàng da, không khó thở và nhập viện Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân có tiền sử viêm gan B, phát hiện cách đây 20 năm, chưa điều trị kháng virus.

Tiến hành xét nghiệm và kiểm tra, các bác sĩ phát hiện hình u gan hạ phân thuỳ VI, kích thước 2,5x3,5cm, tính chất HCC (ung thư biểu mô tế bào gan). Cạnh khối có vùng ngấm thuốc kém trong cùng hạ phân thuỳ VI. Tĩnh mạch cửa đường kính 15mm, không có huyết khối. Bệnh nhân được sinh thiết u gan và được chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan.

Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được hội chẩn hội đồng chuyên môn, được chỉ định điều trị bằng kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc (SIRT) bằng hạt vi cầu phóng xạ gắn Y-90 kết hợp điều trị viêm gan virus B bằng thuốc Tenofovir 300mg/ngày.

Sau điều trị, bệnh nhân không gặp biến chứng như sốt, nôn, đau bụng, viêm phổi, … nên được ra viện ngay ngày hôm sau. Sau đó, bệnh nhân được tái khám định kỳ. Bệnh nhân không đau bụng, không ho, không khó thở, không nôn, ăn ngủ tốt, tăng 2 kg.

Theo PGS Phương, ung thư biểu mô tế bào gan là bệnh lý ác tính của gan. Tại Việt Nam, theo GLOBOCAN 2020, ung thư biểu mô tế bào gan là bệnh ung thư có tỉ lệ mắc mới hàng năm cao nhất với 26.418 trường hợp và tỷ lệ tử vong do căn bệnh này gần tương đương với số người mắc bệnh, 25.272 ca. Nguyên nhân gây ung thư biểu mô tế bào gan liên quan với viêm gan virus B, C, xơ gan do rượu, nhiễm độc tố aflatoxin,...

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị ung thư biểu mô tế bào gan như phẫu thuật (cắt phần gan mang u, gép gan), phá hủy khối u tại chỗ (đốt sóng cao tần - RFA, MW, tiêm cồn), điều trị tại vùng (tắc mạch hóa dầu TACE…), điều trị toàn thân (hóa trị, thuốc điều trị đích phân tử nhỏ-TKI, liệu pháp miễn dịch). Tùy giai đoạn bệnh và tình trạng bệnh nhân mà lựa chọn phương pháp thích hợp.

Theo các bác sĩ, để phòng tránh mắc ung thư gan, mọi người cần:

- Điều chỉnh chế độ ăn hợp lý trong sinh hoạt hàng ngày: Tránh các thực phẩm mốc, quá hạn,…; Hạn chế ăn thực phẩm chứa lượng muối cao; dầu, mỡ biến chất; đồ ăn giàu protein, đồ ngọt, tinh bột.

- Duy trì thái độ sống lành mạnh, chế độ nghỉ ngơi hợp lý: Hạn chế rượu bia và thuốc lá, ngủ đủ giấc, không thức muộn.

- Cân bằng cảm xúc, luôn giữ tinh thần lạc quan.

- Khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện và điều trị các bệnh lý về gan kịp thời, tránh bệnh diễn tiến nặng.