Hoạt động bình thường của cơ thể cần có sự bảo vệ của hệ thống miễn dịch, đây là hệ thống phức tạp và mỏng manh nhất trong cơ thể con người. Các yếu tố như lối sống không lành mạnh, chế độ ăn uống không điều độ đều có thể làm tổn hại đến hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Khi khả năng miễn dịch của cơ thể con người bị rối loạn, hoặc hệ miễn dịch bị suy giảm, cơ thể sẽ dễ mắc phải các bệnh như cảm cúm, viêm amidan, hen suyễn, viêm phổi, tiêu chảy,...
Dấu hiệu nhận biết khả năng miễn dịch kém
- Thường cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ dù đã ngủ đủ giấc hoặc nghỉ ngơi đầy đủ.
- Thường xuyên ốm đau, bệnh tật. Những người có hệ thống miễn dịch yếu thường dễ mắc các bệnh như cảm lạnh, cảm cúm, ho hay đau nhức cơ thể... hơn so với người bình thường.
- Cơ thể tốn nhiều thời gian để phục hồi. Khi hệ miễn dịch suy yếu, cơ thể bạn không chỉ dễ mắc bệnh mà thời gian để phục hồi cũng kéo dài hơn kể cả những bệnh thông thường như cảm cúm, ho. Bên cạnh đó, các vết thương của người có hệ miễn dịch kém cũng thường khó lành hơn do việc tái tạo tế bào mới bị hạn chế..
Ảnh minh hoạ: Những người có hệ thống miễn dịch yếu thường dễ mắc các bệnh như cảm lạnh, cảm cúm, ho,...
3 thói quen gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch
Giáo sư Vu Khang, giáo sư tại Khoa Dinh dưỡng Lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Công đoàn Bắc Kinh cho biết, chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng nhất định đến sức đề kháng và khả năng miễn dịch của cơ thể.
Dưới đây là 3 thói quen trong ăn uống có thể gây mất cân bằng dinh dưỡng và làm ảnh hưởng tới hệ miễn dịch.
1. Giảm cân mù quáng
Việc giảm cân một cách mù quáng như nhịn ăn, kiêng hoàn toàn các loại tinh bột, chất béo có thể mang lại bất lợi cho cơ thể, điển hình là tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng, từ đó có thể làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Kế hoạch giảm cân cần được xây dựng một cách khoa học cho từng cá nhân từ chế độ tập luyện thể thao đến chế độ dinh dưỡng.
2. Ăn thiên lệch
Chế độ ăn thiên lệch là chỉ ăn nhiều món mình thích và ăn ít hoặc không ăn các món ăn mình ghét. Ví dụ như có người không thích ăn tanh, không thích ăn rau xanh, trái cây, và hạn chế tối đa hoặc "kiêng" hoàn toàn các loại thực phẩm này. Hoặc có những người thích ăn nhiều thịt, nhiều đồ chiên rán và liên tục ăn các loại thực phẩm này hàng ngày, hàng tuần. Điều này có thể gây mất cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể và ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Vì vậy, chúng ta cần chú ý ăn đa dạng các loại thực phẩm bổ sung và cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể, tránh tình trạng ăn quá nhiều hoặc quá ít một loại thực phẩm nào đó.
3. 'Thần thánh hoá’ các loại thực phẩm
Giáo sư Vu Khang cho rằng, để cơ thể khoẻ mạnh nói chung và để tăng cường khả năng miễn dịch nói riêng, việc bổ sung đúng, đủ chất và đa dạng thực phẩm là điều cần thiết. Không có bất kỳ một loại thực phẩm nào khi sử dụng riêng lẻ mà có công dụng thần kỳ đối với sức khoẻ cả. Vì vậy, mọi người cũng đừng nên ‘thần thánh hoá’ về lợi ích sức khỏe của một thành phần cụ thể chứa trong các loại thực phẩm.
Ảnh minh hoạ: Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng nhất định đến sức đề kháng và khả năng miễn dịch của cơ thể.
Để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, cách đơn giản nhất là bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể thông qua việc ăn đa dạng các loại thực phẩm.
Đa dạng thực phẩm, tăng cường miễn dịch
Giáo sư Vu Khang cho biết, để đảm bảo ăn đa dạng các loại thực phẩm, mỗi ngày chúng ta nên bổ sung ít nhất khoảng hơn 12 loại thực phẩm khác nhau nằm trong các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Mỗi tuần nên bổ sung ít nhất khoảng hơn 25 loại thực phẩm mỗi tuần. Càng ăn đa dạng các loại thực phẩm thì càng bổ sung được nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể, từ đó giúp tăng cường sức đề kháng và khiến cơ thể khoẻ mạnh.
Tuy nhiên, ăn đa dạng thực phẩm nhưng chúng ta cũng cần phải đảm bảo cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể. Hãy đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm chất sau trong mỗi bữa ăn.
1. Nhóm chất đạm (protein)
Cơ thể cần protein để thực hiện chức năng tăng trưởng và duy trì các mô. Ngoài ra, protein cũng giúp hình thành các globulin miễn dịch hay còn gọi là kháng thể, để chống lại nhiễm trùng, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân có hại như vi khuẩn, virus. Chất đạm thường có nhiều trong các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, tôm, đậu, lạc, vừng…
2. Nhóm chất béo (lipid)
Đây là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể, là dung môi hòa tan các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K. Nhóm thực phẩm giàu chất béo gồm có dầu, mỡ, bơ và trong một số loại hạt như vừng, lạc, đỗ tương (kể cả các sản phẩm chế biến từ đỗ tương như đậu phụ, tào phớ, sữa đậu nành…).
3. Nhóm chất bột đường (glucid)
Chất bột đường là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho các hoạt động của cơ thể. Chất đường bột có nhiều ở gạo, ngô, bột mì, các loại khoai, sắn, ngũ cốc và cả đường mà chúng ta sử dụng hàng ngày.
4. Nhóm chất xơ, vitamin và khoáng chất
Đây là một trong những thành phần thiết yếu cấu tạo nên tế bào, cần thiết cho sự phát triển và duy trì sự sống của các tế bào. Nó cũng tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Ngoài ra, vitamin có khả năng bảo vệ tế bào khỏi các tấn công của các tác nhân gây nhiễm trùng nhờ đặc tính chống oxy hóa. Các thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất gồm các loại rau, củ, quả,...
Việc bổ sung các chất dinh dưỡng đúng và đủ chất có thể giúp tăng cường và duy trì sức đề kháng, từ đó bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh. Bên cạnh việc bổ sung và cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể, chúng ta cũng cần duy trì một lối sống lành mạnh như tập thể dục thường xuyên, làm việc và nghỉ ngơi điều độ để tăng cường sức khoẻ của bản thân.
Nguồn: Toutiao
https://soha.vn/de-khang-kem-mien-dich-yeu-de-mac-benh-chuyen-gia-mach-1-cach-cai-thien-cuc-de-dang-20220504165859656.htm