Địa chấn - Tập phóng sự “lao vào điểm nóng” của Nhà báo Xuân Quang

Nối tiếp cuốn phóng sự đã được ra đời trước đó (Khóc ở Thiên đường, phát hành tháng 5/2010), nhà báo Xuân Quang tiếp tục ra mắt cuốn sách thứ hai với tựa đề “Địa chấn”. Cuốn sách gồm 70 phóng sự, ghi chép đưa theo thứ tự thời gian, trải dài trong 25 năm làm báo của tác giả.

Nhà báo Xuân Quang được đánh giá là một trong nhưng cây bút phóng sự xuất sắc của làng báo chí hiện đại. Gần một nửa phóng sự của anh là những hành trình “lao vào điểm nóng”, từ biên cương đến hải đảo, từ động đất đến sóng thần… Bước chân anh đã trải hầu khắp dải đất hình chữ S cũng như hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Anh đã đoạt nhiều giải thưởng Báo chí Quốc gia, trong số đó có phóng sự "Vượt sóng dữ Trường Sa" in trong tập sách Địa chấn.

Văn hoá - Địa chấn - Tập phóng sự “lao vào điểm nóng” của Nhà báo Xuân Quang

Nhà báo Xuân Quang.

Nhắc đến người đồng nghiệp tài năng, Nhà báo Trần Đức Chính - Nguyên Uỷ viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhà báo & Công luận, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Lao Động bày tỏ sự ngưỡng mộ: “Đội ngũ các cây bút phóng sự trong làng báo chí kể ra cũng không ít, nhưng Xuân Quang xứng đáng xếp vào ‘topten’. Xuân Quang thuộc nhóm nhà báo "chân dài", đôi lúc tung bờm như ngựa hoang, rồi lại suy tư, dằn vặt với sự đời còn lắm éo le. Có nhiều phóng sự Xuân Quang không đưa vào tuyển tập này. Tôi nhớ đã hơn một lần ngòi bút anh đam mê với đời, với số phận những con người đầy trắc trở. Ở mảng đề tài ấy, nhà báo Xuân Quang đã hành nghề như một văn sĩ. Cái thời trai trẻ, anh em phong hàm "Trịnh công tử" cho anh.

Rất tiếc, Xuân Quang sau này đã bị "trói chân" vào công việc của người làm biên tập, tổ chức tờ báo, của một ông quan báo; sau này thậm chí còn ra làm doanh nghiệp, nghề báo chỉ là thứ yếu. Nhưng với xuất thân cử nhân ngữ văn, tin rằng Xuân Quang sẽ và đủ sức "chế" được những phóng sự hay và đẹp, như cuộc đời này còn nhiều cái hay, cái đẹp cần khám phá và lên tiếng…”.

Văn hoá - Địa chấn - Tập phóng sự “lao vào điểm nóng” của Nhà báo Xuân Quang (Hình 2).

Còn, Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, báo Dân Việt thì vô cùng ấn tượng với những phóng sự “để đời” của Xuân Quang. Anh chia sẻ: “Tôi rất nhớ những phóng sự hào hoa và xông pha của nhà báo Xuân Quang độ ấy, từ ‘Mai Châu chân đất’, đến "Trôi cả Mường Lay", rồi khắp xứ sở mây mù Sa Pa, nơi cuối trời Tây Bắc có Lai Châu, miền địa đầu nồng say Lào Cai…, những chỗ hoang thẳm, quyến rũ với các cộng đồng người muôn đời thương mến - hình như nơi nào bước chân anh cũng đã trải.

Sau này, đi làm báo, trở lại hầu khắp các miền đất Xuân Quang từng đi, tôi đã chứng kiến có người già bật khóc khi nhắc đến phóng sự ‘Trôi cả Mường Lay’ của Xuân Quang khi anh viết về quê họ với thảm họa lũ bùn, lũ quét, lũ ống kinh hoàng. Cơn lũ đã làm cả trăm người thiệt mạng, trong đó có nhiều người ruột thịt của ông. Đúng là nước ta ít có cái "Mường…" nào bị "Trôi cả" trong chớp mắt như thế. Cái anh nhà báo đến kịp thời, mang hàng cứu trợ đến và nhìn thảm họa bằng cái nhìn của người dân ven sông Nậm Na, Nậm He và Nậm Tè (sông Đà thượng du) quê ông. Chúng tôi vẫn gọi "tếu" Xuân Quang là người có tâm, có nghề đi viết về… thảm họa. Viết để độc giả khóc chân thành, người bị thảm họa cũng khóc chân thành được, mười năm sau đọc lại vẫn thích, khó lắm”.

Văn hoá - Địa chấn - Tập phóng sự “lao vào điểm nóng” của Nhà báo Xuân Quang (Hình 3).

Cuốn sách gồm 70 phóng sự, ghi chép đưa theo thứ tự thời gian, trải dài trong 25 năm làm báo của tác giả.

Nhà báo Xuân Quang tên đầy đủ là Trịnh Xuân Quang, quê Thanh Hóa, tốt nghiệp cử nhân Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1993. Anh Từng là Trưởng Ban Thời sự báo Lao Động. Hiện là Trưởng Ban Truyền thông & Marketing Tập đoàn Geleximco.

H.L