Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện trào lưu bắt "sâu mắt", "sán mắt" tại các spa khiến nhiều chị em hứng thú. Theo lời quảng cáo dịch vụ, nguyên nhân mắt bị ngứa cộm là do "sán ký sinh, bụi bẩn tích tụ lâu ngày, xác chết của vi khuẩn, môi trường quá bụi".
Tại một spa khác, nhân viên cũng quảng cáo mỹ miều: "Mắt cũng cần được thải độc, làm sạch. Mỗi ngày mắt phải làm việc và điều tiết rất nhiều khiên bị nhức mỏi. Chỉ cần đến với dịch vụ bắt sâu mắt, quý khách hàng sẽ được lấy sạch bụi bẩn, được massage mắt thư giãn… đảm bảo sau khi làm xong mắt nhẹ nhàng, sạch sẽ, sảng khoái. Khách em cứ ai mà ngứa nhiều, bắt ra những con dài ngoằng luôn".
Những quảng cáo gây sốt về dịch vụ bắt "sâu mắt", "sán mắt" trên mạng xã hội gần đây.
Để trải nghiệm dịch vụ, chị em chỉ cần nằm thư giãn. Nhân viên spa sẽ nhỏ vào mắt một loại tinh dầu, theo như giới thiệu đây là tinh dầu tía tô hoặc tinh dầu gia truyền. Sau đó dùng tăm bông thoắn thoắt, từng con "sâu mắt", "sán mắt" sẽ bị "lôi ra bằng hết".
Những lời quảng cáo có cánh này hiện nay được đông đảo chị em quan tâm. Nhiều người muốn đi spa để trải nghiệm dịch vụ, mong được bắt "sâu mắt", "sán mắt", trả lại đôi mắt khỏe mạnh, trong veo không chút âu lo, mệt mỏi.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, dịch vụ nghe có vẻ khá hay ho này lại có thể khiến chị em tiền mất tật mang. Vậy đâu là những sự thật về "sâu mắt", "sán mắt"? Việc bỏ ra hơn 100 nghìn cho mỗi lần nhặt sâu tìm sán này có thực sự đáng đồng tiền bát gạo hay không? Các chuyên gia sẽ lý giải cho bạn ngay dưới đây:
Sự thật 1: Không có khái niệm "sâu mắt", "sán mắt"
BS Đặng Văn Quế (Phó giám đốc Bệnh viện Mắt quốc tế DND) chia sẻ, khái niệm "sâu mắt", "sán mắt" thực sự rất nực cười. Chuyên gia khẳng định, trong y khoa không có thuật ngữ nào như lời những spa này đang quảng cáo.
Theo ông, đây chỉ là ngôn ngữ của những người làm dịch vụ spa tự nghĩ ra. Những cụm từ này kích thích khách hàng đến trải nghiệm đông đảo hơn. Thực hư mắt có "sâu" có "sán" hay không, chuyên gia khẳng định "không có".
Không có chuyện mắt có sâu, có sán nên cũng không có khái niệm "sâu mắt", "sán mắt".
Sự thật 2: Tinh dầu nhỏ mắt có thể gây hại mắt, thậm chí bị mất thị lực, mù lòa
Tại sao sau khi nhỏ tinh dầu, chúng ta lại thấy kết sợi và được nhân viên spa lấy ra rất nhiều? BS Quế nhận định, những loại tinh dầu nhỏ mắt như tinh dầu lá tía tô tạo phản ứng tự nhiên với kết mạc mắt. Mắt chúng ta lúc này tiết một chất để bảo vệ mắt. Trong chất đó có rất nhiều các sợi fifbrin liên kết với nhau, có hình dạng sợi dài giống như con sán, con sâu.
Lúc này nhân viên spa lôi ra khiến khách hàng tin ngay, tưởng đó là "sâu mắt", "sán mắt". Thực ra, chúng không phải là sinh vật sống. Đây chỉ là một mớ hỗn độn những sợi dài ngoằng. Nếu bạn tin đó là "sâu mắt", "sán mắt" thì bạn đang bị lừa bịp. Ngay cả bụi bẩn trong mắt cũng không nhiều như các hình ảnh bạn thấy.
"Tinh dầu nhỏ mắt để kết sợi như vậy cũng ẩn chứa nhiều rủi ro", chuyên gia khẳng định. Một là không rõ đó là loại tinh dầu gì. Hai là tinh dầu có pha thêm gì không, có nguồn gốc, xuất xứ tự nhiên rõ ràng không… Sử dụng sản phẩm tinh dầu không đảm bảo hoặc nhỏ loại tinh dầu không dùng được ở mắt thì rất nguy hiểm.
"Mắt là cơ quan nhạy cảm. Tự ý đưa thuốc, tinh dầu hay bất cứ thứ gì vào trong mắt có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Trong đó thường gặp nhất là tổn thương kết mạc, viêm nhiễm mắt, sưng đỏ mắt. Nguy cơ mù lòa khi gặp biến chứng cũng có thể xảy ra", BS Quế nhấn mạnh.
Nhiều người còn cho rằng, nhỏ mắt bằng những loại tinh dầu này xong cảm thấy mát, dễ chịu. Họ cho rằng đôi mắt mình đang được thanh lọc đúng nghĩa. Tuy nhiên, BS Quế nhận định đây chỉ là phản ứng tự nhiên của mắt khi được nhỏ tinh dầu mà thôi.
"Dù nhỏ tinh dầu gì vào mắt, tinh dầu tía tô, trầu không, bạc hà hay bất cứ loại nào vào mắt thì lâu dần sẽ phá hủy tế bào mắt, gây mất thị lực, mù mắt", BS Quế nói. Nguyên tắc sử dụng tinh dầu là phải pha rất loãng, kèm theo dầu nền và theo dõi chặt chẽ. Không tự ý dùng bất cứ loại tinh dầu nào nhỏ vào mắt khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa.
Sự thật 3: Tăm bông lấy "sâu mắt" coi chừng gây tổn thương mắt
Nhìn kỹ trong những bức ảnh, video, để lấy được "sâu mắt", "sán mắt", nhân viên spa dùng những chiếc tăm bông để khêu ra dễ dàng. Tuy nhiên, điều này cũng không đảm bảo sức khỏe đôi mắt theo nhận định của chuyên gia.
BS Quế khẳng định: "Tăm bông có các sợi xơ bông bên ngoài, dù rất nhỏ, khó thấy bằng mắt thường nhưng sử dụng trực tiếp vào đôi măt thì cũng không đảm bảo an toàn. Như trên đã nói, mắt là cơ quan rất nhạy cảm. Dùng tăm bông đưa vào mắt rất dễ gây tổn thương mắt như xước giác mạc, sưng đỏ mắt…".
Vậy, làm thế nào để đôi mắt luôn khỏe mạnh, trong trẻo?
Chuyên gia cho rằng, để có đôi mắt khỏe mạnh, sáng trong, mỗi người nên chú ý vệ sinh mắt. Dân văn phòng, phải ngồi làm việc nhiều với máy tính, điện thoại hoặc người đi đường xa, bụi bặm về, đi bơi… cần chú ý vệ sinh. Cách vệ sinh tốt nhất là sử dụng NaCl 0,9%. Ngoài ra, tùy từng đối tượng có thể sử dụng nước mắt nhân tạo để tránh khô mắt, giúp mắt sáng khỏe hơn.
Chú ý, mỗi người nên dùng riêng một lọ. Khi nhỏ mắt không chạm vào đầu lọ để tránh nhiễm khuẩn. Các sản phẩm cần dùng trong 2 tuần sau khi mở nắp. Sau đó tốt nhất nên vứt bỏ vì để lâu ngày có thể gây nhiễm khuẩn do tiếp xúc môi trường, càng lâu dài càng gây hại.
Ngoài ra, đối với chị em hay trang điểm cần tiến hành tẩy trang sạch, rửa mặt bằng sữa rửa mặt lên cả vùng mắt mỗi cuối ngày. Chú ý tháo lens trước khi đi ngủ nếu có đeo lens… để đảm bảo mắt được vệ sinh sạch sẽ.