Điểm mặt 4 yếu tố nguy cơ của ung thư thực quản, dạ dày: Làm gì để phát hiện bệnh sớm?

Ung thư thực quản và dạ dạy là 2 căn bệnh ung thư phổ biến của đường tiêu hoá. 2 loại ung thư này triệu chứng rất mờ nhạt, nhất là ở giai đoạn sớm.

Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.

Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Thứ hạng này tương ứng của năm 2018 là 99/185 và 56/185.

Ung thư thực quản và dạ dày là 2 trong những căn bệnh ung thư đường tiêu hoá hay gặp.

TS. BS Võ Duy Long, Phó trưởng khoa Ngoại Tiêu hoá, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết cho tới nay, nguyên nhân gây ra ung thư thực quản và dạ dày vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, cả hai loại ung thư này đều có những yếu tố nguy cơ. Có nghĩa là khi con người tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ này với tần suất càng nhiều thì nguy cơ mắc ung thư càng tăng lên.

Yếu tố nguy cơ đầu tiên của ung thư thực quản, dạ dày là môi trường. Nếu sống trong môi trường độc hại sẽ gây ra biến đổi các tế bào trong cơ thể và hình thành các tế bào lạ (ung thư).

Điểm mặt 4 yếu tố nguy cơ của ung thư thực quản, dạ dày: Làm gì để phát hiện bệnh sớm? - Ảnh 1.

Môi trường độc hại dễ gây biến đổi tế bào và hình thành ung thư - ảnh minh hoạ.

"Thứ 2 là yếu tố đến từ ăn uống. Một số nghiên cứu cho thấy ăn uống có liên quan tới ung thư dạ dày và thực quản. Trong đó, một số thức ăn làm gia tăng nguy cơ ung thư dạ dày, thực quản là: thức ăn ngâm ủ lâu ngày, đồ ăn hun khói, thức ăn nướng chín chưa tới, thức ăn nhiều muối, rượu bia, thuốc lá, ăn nhiều thịt ít rau... sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư", TS. Long nhấn mạnh.

Yếu tố thứ 3 là bệnh lý: Một số bệnh lý như tình trạng viêm dạ dày lâu ngày; Polyp dạ dày; nhiễm vi khuẩn HP có viêm loét (không phải trường hợp nào có vi khuẩn cũng tiến triển thành ung thư)... Đây là những yếu tố tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

Yếu tố thứ 4 có liên quan tới di truyền, ví dụ, trong gia đình có bố mẹ mắc ung thư thực quản và dạ dày các thế hệ sau cũng có nguy cơ.

Theo TS Long, ung thư ung thư dạ dày, thực quản ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng. Khi bệnh nhân có các triệu chứng như nôn ra máu, khó thở... đi khám thì thường đã ở giai đoạn đã muộn.

Do vậy, khi ăn uống khó tiêu, đau bụng vùng thượng vị kéo dài trên 2 tuần thì cần đi khám ung thư. Còn đối với ung thực quản, khi nuốt thấy vướng, ăn nghẹn thì cần phải đi khám ngay.

Để phát hiện ung thư thực quản và dạ dày sớm, bác sĩ Long lưu ý cần phải tầm soát ung thư sớm khi bệnh khi chưa có triệu chứng.

"Theo các nghiên cứu, đối với người trên 40 tuổi, chỉ cần nội soi thực quản, dạ dày là có thể phát hiện tổn thương ung thư. Hiện nội soi dạ dày thực quản đã có ở các trung tâm y tế tuyến cơ sở.

Một người khoẻ mạnh nếu nội soi kết quả bình thường thì sau 5 năm nên nội soi lại. Trường hợp nếu nội soi có viêm, tổn thương thì 2-3 năm hoặc 6 tháng sau nên đi kiểm tra lại.

Ung thư thực quản và dạ dày nếu được phát hiện sớm khi tổn thương ở trên lớp niêm mạc thì bệnh nhân sẽ được phẫu thuật nội soi và sẽ khỏi bệnh", bác sĩ Long phân tích.

Điểm mặt 4 yếu tố nguy cơ của ung thư thực quản, dạ dày: Làm gì để phát hiện bệnh sớm? - Ảnh 3.
https://soha.vn/diem-mat-4-yeu-to-nguy-co-cua-ung-thu-thuc-quan-da-day-lam-gi-de-phat-hien-benh-som-20220217152238796.htm