Điều tra: Lật tẩy thần dược giả, quảng cáo dỏm

Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều clip về thuốc trị bệnh được đặt tên rất "kêu", quảng cáo là thần dược chữa khỏi bệnh mắt, huyết áp, xương khớp, tiểu đường... do các "thần y miền sơn cước" bào chế. Sự thật là gì?

Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều clip về thuốc trị bệnh được đặt tên rất "kêu", quảng cáo là thần dược chữa khỏi bệnh mắt, huyết áp, xương khớp, tiểu đường... do các "thần y miền sơn cước" bào chế. Sự thật là gì?

Điều tra: Lật tẩy thần dược giả, quảng cáo dỏm - Ảnh 1.

"Thuốc" Minh Mục Đan được quảng cáo rùm beng trên mạng và bán cho nhiều người - Ảnh: Q.T.

Phóng viên Tuổi Trẻ đã vào cuộc xác minh và phát hiện đường dây lừa đảo, "bẫy" người bệnh rất bài bản khi mua phải thuốc dỏm với giá cắt cổ. Nguy hiểm hơn, các loại thuốc này uống vào không có tác dụng, trái lại có người phải nhập viện cấp cứu.

Thay tên đổi họ để quảng cáo thuốc

Cuối tháng 10-2022, nhiều phóng sự review thuốc Minh Mục Đan, Minh Mục Cao (dạng viên, cao) phát trên YouTube được giới thiệu của nhà thuốc Phúc Sinh Đường (khu phố 5, thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) thu hút hàng trăm ngàn lượt xem chỉ sau 1 - 2 ngày đăng tải.

Trong vai nhân viên công ty đang cần review sản phẩm, chúng tôi tìm gặp những người bệnh trong phóng sự trên thì phát hiện họ chỉ là diễn viên nghiệp dư được một công ty ở Hà Nội thuê đóng quảng cáo.

Mở đầu một phóng sự phát trên YouTube, ông Trần Hữu Toản (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đến nhà thuốc Phúc Sinh Đường khám bệnh. Tại đây ông được chủ nhà thuốc đưa vào căn phòng rộng khoảng 8m2 khám mắt, hướng dẫn điều trị và cho uống thuốc Minh Mục Đan.

Đáng chú ý, cũng trong buổi sáng cùng ngày ông Toản tiếp tục vào vai người đã khỏi bệnh sau khi uống Minh Mục Đan. "Minh Mục Đan đã giúp tôi chữa khỏi thoái hóa điểm vàng. Tôi xin cảm ơn nhà thuốc Phúc Sinh Đường...", ông Toản nói.

Chúng tôi tìm gặp ông Toản giả vờ mời ông đóng clip quảng cáo, thật bất ngờ ông này cho biết tên thật là Lê Hùng (64 tuổi, đang sinh sống tại ngõ Thanh Miến, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội).

Điều tra: Lật tẩy thần dược giả, quảng cáo dỏm - Ảnh 2.

"Thuốc" Minh Mục Đan bán ngoài thị trường ghi lô sản xuất 010822, sản xuất ngày 8-8-2022, hạn sử dụng ngày 8-8-2025 - Ảnh: Q.T.

Chúng tôi đã xác minh được ông Lê Hùng có căn cước công dân số 0010580xxx, chính là người bệnh Trần Hữu Toản trong clip chữa bệnh, quảng cáo thuốc Minh Mục Đan trên. Ông Hùng sống bằng nghề chụp ảnh thẻ, những năm gần đây việc đóng clip quảng cáo thuốc kiếm được tiền nên ông đã kiêm luôn nghề "diễn viên".

"Diễn viên chuyên nghiệp đóng cái biết ngay, người dân xem thấy giả tạo, dễ lộ. Mình vào vai như người thật, việc thật. Từ gút, xương khớp, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu... bệnh gì tôi cũng nói được", ông Hùng khoe.

Review nhiệt tình cho Minh Mục Đan còn có bà Nguyễn Thị Thanh Hiền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Bà Hiền cũng đã được thay tên đổi họ để vào vai bệnh nhân tên Phan Thị Cúc. Còn ông Hoàng Ngọc Sỹ (quận Hai Bà Trưng) lấy tên Trần Văn Tấn.

Khi nhập vai người bệnh, bà Hiền tay cầm hộp thuốc Minh Mục Đan đọc liền một mạch như đã học thuộc lòng từ trước: "Sử dụng hết liệu trình Minh Mục Đan tôi thấy mắt sáng lên, có thể xâu kim, may vá được. Xin cảm ơn trời đất". Chúng tôi tìm gặp bà Hiền thì bà cười nói: "Mình đóng quảng cáo thôi chứ mắt vẫn sáng lắm".

Bà Hiền cho biết ngoài vào vai người bệnh bà còn đóng giả khách mua ở các hội nghị, hội chợ triển lãm cho nhiều nhãn hàng. "Ở hội nghị chỉ cần mình đi vào đi ra là có tiền", bà Hiền nói. Cũng như bà Hiền, ông Sỹ cho biết mắt ông còn khỏe, vẫn sáng, không có bệnh tật gì và không cần phải đeo kính lão. "Mình đóng quảng cáo kiếm tiền thôi mà chứ có bệnh tật gì đâu", ông Sỹ khẳng định.

Để tạo thêm lòng tin với người xem, một "diễn viên" khác là ông Nguyễn Đình Hải (quận Tây Hồ, Hà Nội) nhập vai người bệnh với chất giọng miền Nam đặc sệt. Ông Hải cho biết dù đang sinh sống ở Hà Nội nhưng ông có khả năng nói giọng miền Nam rất chuẩn. Cũng như các diễn viên khác được thay tên đổi họ khi quảng cáo Minh Mục Đan, ông Hải lấy tên là chú Sáu cho "chuẩn Nam Bộ".

Điều tra: Lật tẩy thần dược giả, quảng cáo dỏm - Ảnh 3.

Ông Đặng Xuân Phát và ông Đặng Xuân Huy (từ trái sang) khám mắt cho "diễn viên" Lê Hùng (bìa phải) đóng giả người bệnh, hướng dẫn uống "thuốc" Minh Mục Đan - Ảnh: Q.T.

Không phép!

Để tìm hiểu sự thật về thần dược Minh Mục Đan, chúng tôi đã tìm về khu phố 5, thị trấn Kim Tân (huyện Thạch Thành) để tìm gặp các "thầy thuốc" xuất hiện trong phóng sự là các ông Đặng Xuân Phát, ông Đặng Xuân Huy (49 tuổi, con ông Phát) và ông Đặng Xuân Phúc (40 tuổi, con ông Phát).

Có mặt nhiều ngày tại ngõ chợ ở khu phố 5 (thị trấn Kim Tân), chúng tôi ghi nhận không có người tới mua thuốc, thăm khám tấp nập như hình ảnh trong phóng sự quảng cáo. Ngoài bốc thuốc, gia đình ông Phát còn bày bán thêm thuốc lào, lưới đánh cá, móc câu... Người dân ở thị trấn Kim Tân cho hay không hề biết những "thầy thuốc" nói trên.

"Họ chỉ quảng cáo rồi bán thuốc qua mạng cho người bệnh ở tỉnh khác mà thôi, chứ dân ở đây đâu có ai đến khám", một người ở khu phố 5 tiết lộ.

Chúng tôi tìm gặp "thầy thuốc" Đặng Xuân Phúc ngỏ ý muốn làm đại lý phân phối thuốc và mở rộng thị trường cho Minh Mục Đan. Sau một hồi dò xét, ông Phúc liền "nổ" đang phối hợp nhiều công ty ở Hà Nội để sản xuất thuốc.

"Trên thị trường Minh Mục Đan nhà tôi đang nổi như cồn", ông Phúc nói rồi lấy ra nhiều hộp dạng viên cứng ghi địa chỉ sản xuất tại Hà Nội, Thanh Hóa giới thiệu. Khi hỏi kỹ về thành phần trong thuốc, ông Phúc tiết lộ thuốc này đã được trộn cả thuốc tây vào. "Loại này dạng viên cứng, trộn cả thuốc tây chứ không phải 100% thuốc bắc đâu", ông Phúc nói.

Từ bao bì đến tem mác được làm rất chuyên nghiệp, nhưng chỉ tay vào hộp Minh Mục Đan, ông Phúc tiết lộ: "Nhìn vậy thôi, nó là thuốc giả. Thời gian đầu bên ngoài hộp thuốc ghi sản xuất ở Thanh Hóa, sau này ghi sản xuất ở Hà Nội. Mục đích lấy thương hiệu của nhà để bán thôi...".

Điều tra: Lật tẩy thần dược giả, quảng cáo dỏm - Ảnh 4.

Ông Đặng Xuân Phát cho biết các hộp Minh Mục Đan tại nhà ông là "thuốc giả" - Ảnh: Q.T.

Trong mỗi hộp Minh Mục Đan có khoảng 30 - 40 viên hoàn cứng, màu đen nhánh, rất khó nhai nuốt. Người bệnh phải dùng nước sôi để hòa tan mới uống được. Bên ngoài nhiều hộp thuốc ghi: "Lô SX: 010922, NSX: 080822, HSD: 080825; số lô SX: 010822, NSX: 080822, HSD: 080825". Ngoài ra có lô còn không ghi thông tin nơi sản xuất, chỉ ghi: "NSX: 07/2022 và HSD: 07/2024"...

Tại nhà ông Phát, chúng tôi thấy còn có một số loại thuốc khác như: Minh Mục Cao (trị sáng mắt), Cao Tâm Phế Vương (chữa viêm phổi, hen suyễn) và Cửu Thập Tâm Lương (đặc trị tiểu đường). Những loại "thuốc" này cũng được đồn thổi trên mạng, giới thiệu do ông Phát, ông Phúc bào chế.

Ngày 31-12, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Tam - phó chủ tịch UBND huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) - cho biết: "Cấp phép sản xuất thuốc thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, tuy nhiên quản lý nhà nước trên địa bàn huyện thì tôi khẳng định ở thị trấn Kim Tân không có ai được cấp phép để sản xuất thuốc. Tôi sẽ chỉ đạo kiểm tra, xác minh và phản hồi sớm".

Ngày 26-12, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có văn bản số 13603 gửi báo Tuổi Trẻ cho biết qua rà soát, căn cứ vào các dữ liệu đến ngày 23-12, đơn vị này chưa cấp giấy đăng ký lưu hành cho các sản phẩm có tên thuốc: Minh Mục Đan, Minh Mục Cao, Cao Tâm Phế Vương, Cửu Thập Tâm Lương. Theo Cục Quản lý dược, thuốc được phép lưu hành trên thị trường phải được cấp giấy đăng ký lưu hành theo quy định của Luật dược năm 2016.

Theo Cục Quản lý dược, khi các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động kinh doanh thuốc (sản xuất, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc) phải tuân thủ các quy định của Luật dược năm 2016. Để được cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, doanh nghiệp phải nộp bộ hồ sơ đăng ký cấp giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại khoản 2 điều 56 Luật dược và theo quy định tại điều 27 thông tư số 08 ngày 5-9-2022 của Bộ Y tế quy định về đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Dàn dựng như buổi tọa đàm để quảng cáo thuốc dỏm

Trong một clip được dàn dựng như buổi tọa đàm của cơ quan báo chí, MC Kim Yến (MC một kênh truyền hình ở Hà Nội) dẫn chương trình, tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Anh - nguyên trưởng khoa nội Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương - trong vai khách mời.

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, bà Vân Anh cho biết: "Tôi được mời đến nói về chuyên môn theo y học cổ truyền sẽ có tác dụng ra sao, còn tỉ lệ cụ thể, thành phần thế nào là của công ty dược. Bác sĩ không tham gia sản xuất hay bào chế. Phóng viên cho biết sản phẩm chưa được Cục Quản lý dược cấp phép lưu hành trên thị trường thì công ty dược sai rồi, họ gian dối thì phải chịu trách nhiệm...".

Nhập viện cấp cứu sau khi uống thuốc

photo-1

Ngày 11-12-2022, trao đổi với phóng viên, Nguyễn Trung Hiếu (27 tuổi, phường 5, TP Vĩnh Long, Vĩnh Long) cho biết mẹ anh là bà Nguyễn Thị Vui (63 tuổi) xem YouTube thấy có hình ảnh nghệ sĩ Kim Tử Long và Thanh Hằng quảng cáo nên kêu anh tìm mua thuốc này.

"Uống hộp đầu tiên không sao, đến hộp thứ hai được một nửa thì người mẹ tôi bắt đầu nóng ran, đi vệ sinh không được, khó thở, chảy nước mắt sống. Tôi phải đưa mẹ tới bệnh viện cấp cứu luôn", anh Hiếu nói.

Anh Hiếu bức xúc: "Mẹ tôi chỉ bị mắt mờ, sau khi uống thuốc Minh Mục Đan mắt không thấy gì nữa. Hiện nay mẹ đang nằm trong phòng hồi sức đặc biệt. Bác sĩ chẩn đoán mẹ bị suy thận, suy tim nặng...".

Anh Hiếu cho biết thêm ban đầu nhân viên tư vấn là mẹ anh cần phải uống Minh Mục Đan 3 liệu trình với số tiền 9 triệu đồng bảo đảm mắt sẽ khỏi. Do anh không có tiền, chỉ vay mượn được 5 triệu đồng, lúc này nhân viên bán thuốc đổi giọng quả quyết chỉ cần uống hết 5 triệu đồng sẽ khỏi. Thế nhưng vài ngày sau họ lại gọi mời mua thêm liệu trình 6 triệu đồng thuốc Minh Mục Cao vì họ nói uống Minh Mục Đan sẽ không khỏi được.

"Tôi rất bức xúc vì làm thợ hồ không có tiền, phải mượn chủ thầu. Thấy nghệ sĩ review thuốc hay nên mua cho mẹ uống, nào ngờ họ lại bán thuốc giả gạt mình", anh Hiếu nói.

Ngày 25-12, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, anh Hiếu cho biết sau khi phản ánh mẹ anh uống thuốc Minh Mục Đan không khỏi, phải đi cấp cứu thì anh liên tục bị người lạ hù dọa. "Mẹ đang bệnh mà tôi còn bị dọa sợ quá, họ nói sẽ vô kiếm cả nhà tôi để xử...", anh Hiếu nói.

Nghệ sĩ Kim Tử Long là người xuất hiện trong nhiều clip được cắt ghép tung lên mạng. Sau khi chúng tôi cung cấp thông tin thuốc Minh Mục Đan chưa được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép lưu hành và ông Phát cũng thừa nhận đây là thuốc giả, nghệ sĩ Kim Tử Long cho hay: "Theo tôi, các cơ quan pháp luật cần vào cuộc làm rõ trắng đen. Nếu họ gạt người dân thì tôi đứng ra vì tôi cũng là một trong số những người bị lừa. Tôi mong muốn cơ quan công an vào cuộc...".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nghệ sĩ Thanh Hằng giải thích về clip quảng cáo thuốc do mình đóng: "Họ vào TP.HCM để quay, mời tôi review thuốc Minh Mục Đan nói về con mắt. Bên đó nói có giấy tờ nên tôi không kiểm tra. Tôi sẽ liên lạc lại với người đã mời mình review...".

"Thần dược từ thiên nhiên"

Để tạo niềm tin cho người bệnh, trên trang trungtamminhmucđan.vn (thời điểm tháng 10, 11-2022) còn giới thiệu thuốc Minh Mục Đan đã được Bộ Y tế cấp phép, công thức thảo dược độc quyền và hoàn tiền 200% nếu phát hiện hàng giả.

Quảng cáo còn được chạy để thu hút số đông người xem trên hàng loạt trang như: trungtamminhmucdan.vn, minhmucdan.com, minhmucđan.xyz, minhmucdan.net, matminhmucdan.vn, Phúc Sinh Đường, Minh Mục Đan, Minh Mục Đan Chính Hãng...

Riêng trang Phúc Sinh Đường chỉ sau một ngày (25-10) chạy chế độ quảng cáo trên YouTube đã có khoảng 300.000 lượt xem, kèm hàng ngàn bình luận, đặt mua thuốc. Ngoài những thông tin cũ cắt ghép, đăng tải lại thì Minh Mục Đan còn được các trang này quảng cáo là "thần dược từ thiên nhiên".

(còn tiếp)