Ghi nhớ ngay những việc sau để tránh mắc bẫy lừa đảo đe dọa “khóa thuê bao điện thoại"

Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT), thời gian gần đây xuất hiện chiêu trò gọi điện đe dọa khóa thuê bao điện thoại, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Từ đó, kẻ gian sẽ chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội và số tiền có trong tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử.

Gần đây, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT) cho biết đã ghi nhận hàng loạt người dùng điện thoại di động phản ánh nhận được cuộc gọi đe dọa khóa thuê bao điện thoại, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.

Theo đó, các đối tượng mạo danh nhà mạng gọi điện thoại thông báo sẽ cắt dịch vụ, khóa thuê bao điện thoại sau 1-2 giờ nữa. Nếu muốn giải quyết cần liên hệ ngay tới số điện thoại “tổng đài” do đối tượng cung cấp.

Nếu người dùng gọi lại số tổng đài ảo, đầu dây bên kia sẽ yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân… để được hỗ trợ kỹ thuật.

Sau khi đã nắm được thông tin của người dùng, ngay lập tức các đối tượng này sẽ thực hiện các cú pháp sang tên đổi chủ thông tin số điện thoại, chuyển hướng cuộc gọi, chiếm quyền nhận cuộc gọi...

Đồng thời, đăng nhập các ứng dụng ví điện tử, tài khoản mạng xã hội… của người dùng và khai báo quên mật khẩu, chọn tính năng nhận cuộc gọi thông báo mã OTP. Từ đó, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội và số tiền có trong tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử.

Nhận được cuộc gọi đe dọa khóa thuê bao điện thoại, xử lý thế nào?

Nếu chẳng may nhận được một cuộc gọi đe dọa khóa thuê bao điện thoại, người nghe không cần quá lo lắng mà hãy tỉnh táo và thực hiện theo hướng dẫn sau.

- Tuyệt đối không làm theo bất kỳ yêu cầu nào của các cuộc gọi.

- Ghi âm cuộc gọi, lưu lại chứng cứ để phản ánh tới nhà mạng quản lý thuê bao (Viettel, Vinaphone...) yêu cầu xử lý. Nếu có thể, hãy cung cấp bằng chứng tới cơ quan Công an hoặc các đơn vị phòng chống tội công nghệ cao của Bộ Công an để ngăn chặn và xử lý.

- Công an Thành phố Hà Nội:

+ Số điện thoại đường dây nóng 113 và trang Facebook của Công an thành phố Hà Nội: https://www.facebook.com/ConganThuDo;

+ Số điện thoại đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053;

+ Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam tại địa chỉ: https://canhbao.ncsc.gov.vn./#!/

- Tại Thành phố Hồ Chí Minh, người dân gọi đến số điện 08.3864.0508 để trình báo về lừa đảo qua mạng.

Hơn hết, khi đã biết về chiêu trò lừa đảo này, hãy chia sẻ cho bạn bè, người thân và những người xung quanh để họ nâng cao cảnh giác, tránh xảy ra những trường hợp mất mát không đáng có.

Nếu không may trở thành nạn nhân của chiêu trò này, cách duy nhất để tìm ra kẻ lừa đảo cũng như lấy lại số tiền bị lừa là trình báo lừa đảo với cơ quan Công an.

Để giúp cho việc điều tra được thuận lợi, nạn nhân cần cung cấp đầy đủ số điện thoại gọi đến lừa đảo, bản ghi âm cuộc gọi hay tin nhắn lừa đảo... cho phía cơ quan điều tra.

Khi trình báo trực tiếp tại cơ quan Công an, người tố giác cần đem theo Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân để xuất trình. Đồng thời thuật lại sự việc một các trung thực, đầy đủ, cũng như cung cấp mọi chứng cứ mà mình đã thu thập.

Lừa đảo qua cuộc gọi điện thoại là chiêu thức lừa đảo tinh vi và tương đối khó để truy tìm kẻ đứng sau thực hiện. Chính vì vậy, thời gian giải quyết vụ việc có thể diễn ra trong một thời gian dài.