Phát minh chuyển đổi sản xuất năng lượng mặt trời đã mang lại cho Giáo sư Martin Green người Australai Giải thưởng Công nghệ Thiên niên kỷ năm 2022. Ảnh: AP
Học viện Công nghệ Phần Lan ngày 25/10 đã công bố thông tin trên. Cùng ngày, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đã trao giải cho Giáo sư Green, hiện đang công tác tại Đại học New South Wales.
Chia sẻ niềm vui tại lễ trao giải, Giáo sư Green khẳng định quá trình chuyển đổi xanh đang tăng tốc và thế giới sẽ chuyển sang điện mặt trời và điện gió trong thập kỷ tới. Ông bày tỏ tin tưởng một sự thay đổi to lớn, có ý nghĩa lịch sử đang diễn ra.
Giáo sư Green được xem là người đi đầu trong việc phát triển PERC (Bộ phát thụ động và Tiếp điểm phía sau - hay còn gọi là công nghệ hấp thu năng lượng thụ động). PERC đã trở thành công nghệ pin mặt trời silicon hiệu quả và khả thi nhất về thương mại được sử dụng trong sản xuất các tấm pin mặt trời và sản xuất điện quy mô lớn. Công nghệ này chiếm gần 90% thị trường pin mặt trời toàn cầu.
PERC đã giúp tăng hơn 50% hiệu suất chuyển đổi của pin mặt trời tiêu chuẩn, từ 16,5% vào đầu những năm 1980 lên 25% vào đầu những năm 2000. Sự cải tiến này đã giúp giảm đáng kể chi phí sử dụng các tấm pin mặt trời, theo đó năng lượng mặt trời trở nên hợp lý hơn so với các giải pháp thay thế phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch. Với PERC, các ngôi nhà không cần kết nối với lưới điện để nhận được nguồn cung cấp năng lượng và điều này rất hữu ích cho các cộng đồng vùng sâu vùng xa.
Hiện Giáo sư Green và nhóm của ông đang nghiên cứu để đạt được 40% hiệu suất pin mặt trời. Giáo sư Minna Palmroth, Chủ tịch Hội đồng Học viện Công nghệ Phần Lan, cho biết phát kiến mới của Giáo sư Green sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng cuộc sống của hàng tỷ người trên toàn cầu và tăng cường phát triển bền vững đối với môi trường.
Giải thưởng Công nghệ Thiên niên kỷ được trao 2 năm một lần, do Chính phủ Phần Lan sáng lập vào năm 2002 nhằm tôn vinh những cá nhân và tập thể có những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.